Sáng 8/8, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD- ĐT đã chính thức họp để thống nhất phương án điểm sàn mới với ba mức xét tuyển cơ bản vào ĐH và một mức xét tuyển vào CĐ.
Đây là mức điểm xét tuyển mà các trường sẽ phải căn cứ vào đó để xây dựng, công bố điểm chuẩn chính thức vào trường sao cho mức điểm chuẩn không thể thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản thấp nhất (có thể coi là điểm sàn tối thiểu). Theo đó, hệ ĐH có 3 mức điểm sàn như sau:
- Mức 1: Khối B 18 điểm, các khối còn lại A, A1, C và D 17 điểm
- Mức 2: Khối B 15 điểm, các khối còn lại A, A1, C và D 14 điểm
- Mức 3: Khối B 14 điểm, các khối còn lại A, A11, C và D 13 điểm
Hệ CĐ có 1 mức điểm sàn chung: Khối B 11 điểm, các khối còn lại 10 điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga, với mức điểm sàn này, số lượng thí sinh có thể vào ĐH sẽ đạt khoảng 65% tổng số thí sinh dự thi (khoảng hơn 650.000 thí sinh). Trong khi đó, chỉ tiêu đầu vào của tất cả các trường khối ĐH là 350.000 chỉ tiêu. Với việc đề ra 3 mức điểm sàn khác nhau ở hệ ĐH, ông Bùi Văn Ga khẳng định sẽ giúp các trường “tốp” trên chọn HS có điểm sàn mức cao nhất, một số trường lựa chọn thí sinh ở mức trung bình, còn các trường chưa có sức hút thì có thể dựa vào mức điểm tối thiểu để chọn.
“Mọi năm chỉ có 1 mức điểm sàn thì những trường ở giữa thường vất vả khi chọn lựa và cũng gây rủi ro cho nhiều thí sinh. Năm nay chia nhiều mức như vậy, thì các trường có thể cân nhắc giữa chỉ tiêu và uy tín chất lượng để chọn xem trường mình ở nhóm nào, mức nào. Đây cũng là căn cứ để Bộ GD - ĐT tiến hành xếp hạng các trường ĐH thuộc 3 nhóm khác nhau” – Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.