Đại học ngoài công lập cần 'cấp cứu'

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2012, nhiều trường khó tuyển sinh, trong đó các trường đại học ngoài công lập (NCL) chiếm số lượng lớn. Nhiều trường cho biết, mặc dù đã đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, giáo trình... nhưng vẫn không thu hút được người học. Thời gian tới, nếu không có giải pháp kịp thời, nhiều trường ĐH NCL sẽ bị đào thải khỏi hệ thống các trường đại học.

 

Trường Dân lập Hải Phòng.

 

Hôm qua (19/12), Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã có buổi họp bàn về tuyển sinh chủ yếu đưa ra kiến nghị với Bộ GD - ĐT về giải pháp tuyển sinh năm 2013. Lãnh đạo nhiều trường đều lo lắng về thực trạng tuyển sinh của trường mình và cho rằng khối các trường NCL thực sự đang rơi vào khủng hoảng.


Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ: “15 năm qua trường thành lập và luôn luôn tuyển sinh được. Nhưng mùa tuyển sinh năm 2012 trường không tuyển đủ học sinh. Nhiều trường công lập đã hạ điểm chuẩn đến tận điểm sàn để tuyển sinh thì còn đâu thí sinh cho khối NCL nữa?! Thậm chí không ít thí sinh đã yên vị ở trường NCL rồi nhưng khi thấy các trường công lập hạ điểm thì lại rút hồ sơ và chuyển sang trường công lập”.


“Xây dựng được một ngành, trường rất khó khăn, đặc biệt với các trường NCL vì tự bỏ tiền đầu tư. Khi không tuyển được thí sinh nghĩa là sẽ lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất, giảng viên, giáo trình... Nếu cứ tuyển sinh như năm nay thì chắc chắn tình trạng tuyển sinh năm 2013 sẽ còn tồi tệ hơn năm nay”, ông Trần Hữu Nghị lo ngại.


Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Lương Thế Vinh phân tích: “Cùng một mức điểm đầu vào, người học sẽ không dại gì lại chọn trường NCL. Bởi gần đây, vài địa phương đã đưa ra quy định là chỉ tuyển người tốt nghiệp các trường công lập. Điều này đã đánh thẳng vào tâm lý người học”.


Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các trường NCL rơi vào tình cảnh khó tuyển là do quy định về điểm sàn mà Bộ đưa ra. “Bộ nên công khai con số bao nhiêu người được điểm sàn theo các khối. Nếu có đưa ra điểm sàn thì cần phải dựa vào nhu cầu đào tạo thực tế. Nếu không tuyển sinh được là một lãng phí rất lớn với các trường”.


Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, để xây dựng một trường đại học là rất khó. Các trường nếu không phát triển và để lụi đi thì xây dựng lại càng khó hơn. Các trường ĐH NCL đang thực sự rơi vào tình trạng cần cấp cứu và Bộ GD - ĐT phải có trách nhiệm”.


Nhiều trường ĐH, CĐ NLC kiến nghị trong mùa tuyển sinh năm 2013 Bộ GD - ĐT nên cho phép các trường NCL tuyển sinh dưới điểm sàn. Cũng có ý kiến cho rằng, điểm sàn có thể không thay đổi nhưng nên có quy định nào đó để sinh viên học trường ĐH công lập phải chịu mức điểm đầu vào cao hơn do đã được ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, nhiều trường cho rằng Bộ GD - ĐT nên ra đề thi với phổ điểm hợp lí hơn để tăng lượng thí sinh đạt điểm sàn và trên sàn...


Đại diện trường CĐ ASEAN cho rằng, trong mùa tuyển sinh năm 2013, Bộ nên xem xét lại điểm sàn phù hợp với mặt bằng chung các trường. Bộ nên cho phép các trường NCL tuyển sinh dưới điểm sàn, cho vào học dự bị rồi thi tuyển chính thức vào trường.


Với nhiều kiến nghị khác nhau nhưng các trường đều một nỗi lo lắng chung là nếu viễn cảnh tuyển sinh như năm 2012 thì trong mùa tuyển sinh năm 2013 các trường ĐH, CĐ NCL sẽ gặp nhiều khó khăn, lãng phí về cơ sở vật chất và nhân lực.

 


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN