Đắk Lắk rà soát việc triển khai dạy học liên kết tại các trường học

Năm học 2023 - 2024 mới bắt đầu nhưng tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đang bức xúc với việc nhà trường triển khai dạy học qua hình thức câu lạc bộ, hay tiếng Anh liên kết. Mặc dù được các nhà trường hướng dẫn đăng ký học dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng thực tế là “tự nguyện trong bắt buộc” đang là nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Học thêm "núp bóng" câu lạc bộ
 
Chị Đ.N có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết, nhà trường thực hiện hoạt động câu lạc bộ từ năm học 2022 - 2023. Ban đầu, khi trường đưa ra lấy ý kiến phụ huynh, nhiều người không đồng tình vì cho rằng, chương trình chính khóa đã đủ nên câu lạc bộ chỉ nên là môi trường cho các cháu chơi, rèn luyện kỹ năng. Giáo viên chủ nhiệm có giới thiệu học câu lạc bộ sẽ chú trọng kỹ năng cho các con chứ không nặng kiến thức. Nhà trường sẽ hợp đồng với đơn vị bên ngoài vào dạy phát triển kỹ năng, năng khiếu cho học sinh. Tuy nhiên thực tế, tất cả môn trong câu lạc bộ đều do giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phụ trách.
 
Bước vào năm học 2023 - 2024, nhà trường tổ chức dạy học câu lạc bộ ở khối 1, 2: Câu lạc bộ kỹ năng sống, Toán tuổi thơ, Tiếng Việt của chúng em, Âm nhạc, Mỹ thuật. Khối 3, 4 có: Câu lạc bộ kỹ năng sống, Toán tuổi thơ, Tiếng Việt của chúng em, Tin học, tiếng Anh. Mức phí nhà trường đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt là 40.000 đồng/môn (tương đương với 200.000 đồng/tháng).
 
Theo chị N, năm học này, trường đưa tất cả học sinh vào danh sách học câu lạc bộ, kể cả những em không tham gia học của năm học trước; đồng thời yêu cầu phụ huynh nếu không có nguyện vọng học câu lạc bộ làm đơn không tham gia nộp cho cô Hiệu phó chuyên môn. 200.000 đồng/tháng là khoản chi phí không nhỏ đối với các gia đình khó khăn. 
 
“Ngoại trừ Câu lạc bộ kỹ năng sống, các môn còn lại đều là môn học trong chương trình chính khóa. Theo lời kể của học sinh, các môn câu lạc bộ đều là củng cố lại bài đã học, nhất là môn Tiếng Việt, có tình trạng đọc lại bài đã học, trả lời câu hỏi có trong sách giáo khoa… Như thế có khác nào là học thêm trá hình? Học câu lạc bộ liệu có cần thiết”, chị Đ.N chia sẻ.

Không riêng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, hình thức học câu lạc bộ gần như triển khai ở tất cả trường Tiểu học tại thành phố Buôn Ma Thuột. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, ngày 22/6/2021, theo đó bậc Tiểu học không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Với các trường Tiểu học, thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã triển khai đến lớp 4 dạy 2 buổi/ngày, 1 ngày 7 tiết.

Trong hướng dẫn, ngoài các tiết sau khi học xong buổi chiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở rộng các tiết học câu lạc bộ, thể thao, âm nhạc, năng khiếu… cho các em. Qua rà soát, tại thành phố Buôn Ma Thuột,hiện chưa có trường nào đăng ký tổ chức câu lạc bộ. Khi thực hiện các câu lạc bộ, nhà trường phải xây dựng kế hoạch, thông qua ý kiến, được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải trình hồ sơ lên Phòng xem xét, thẩm định. Phòng đồng ý bằng văn bản. trường mới được tổ chức thực hiện. 
 
Ông Nguyễn Hữu Thọ thông tin: Qua nắm bắt, trên địa bàn, một số đơn vị trường học đã tổ chức các lớp câu lạc bộ. Việc triển khai như vậy là không đúng. Ngay trong sáng 25/9, Phòng đã rà soát, kiểm tra lại. Quan điểm của Phòng là những đơn vị nào có tổ chức, chưa được Phòng đồng ý, cho phép phải chấn chính, tạm dừng. Sau khi Phòng thẩm định hồ sơ, đủ điều kiện, các nhà trường được cấp phép mới được tổ chức. Sau khi kiểm tra xong, tùy theo mức độ vi phạm của các trường, Phòng sẽ có hướng xử lý phù hợp. 
 
Bất cập học tiếng Anh liên kết
 
Gia đình anh C.N.L có hai con đang theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ và đều được nhà trường hướng dẫn học tiếng Anh liên kết (chương trình iSMART, học tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học do đơn vị bên ngoài trường học đào tạo). Anh L cho biết, trước đó, khi nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con đầu, anh không hiểu chương trình iSMART là gì. Được nhà trường tư vấn, anh đăng ký cho con theo học với số tiền 400.000 đồng/tháng/học sinh. Tuy nhiên, sau thời gian, anh kiểm tra bài con và nhận được câu trả lời "con không hiểu”.

Thời điểm này, anh L đã muốn xin cho con thôi học tiếng Anh liên kết nhưng với tâm lý sợ con bị “ảnh hưởng” nên đã thôi. Tình trạng này diễn ra đến cuối năm lớp 3, (anh L đã cho con theo học chương trình iSMART 2 năm, năm lớp 2 do COVID-19 nên không học), nhận thấy việc học không hiệu quả, anh cùng nhiều phụ huynh trong lớp cùng làm đơn gửi nhà trường.
 
“Đầu năm học lớp 4, 18 học sinh không tham gia học chương trình iSMART của lớp con tôi được sát nhập với các em học sinh ở lớp khác. Nhà trường bố trí cho các cháu phòng học với cơ sở vật chất kém, máy chiếu mờ, học sinh không thể sử dụng”, anh C.N.L chia sẻ.
 
Không chỉ vậy, anh L thông tin thêm, anh còn một cháu đang theo học lớp 2 tại trường. Năm học này, nhà trường sắp xếp lịch học chương trình iSMART vào đầu giờ chiều của buổi thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Mặc dù gia đình muốn cho cháu xin nghỉ nhưng rất lo ngại. Với đứa trẻ 8 tuổi, nếu ra sân trường ngồi trong khi chờ các bạn học sẽ như thế nào. Do đó, anh L vẫn “đắn đo” chưa dám viết đơn xin dừng.
 
“Tôi thấy việc học tiếng Anh liên kết không hiệu quả, mà còn là gánh nặng cho các gia đình khó khăn khác khi phải đóng tiền học lên đến 400.000 đồng/tháng/học sinh. Nhiều phụ huynh vì cả nể nên phải cố cho con đi học. Hiện nay, trên cả nước, nhiều địa phương đã có công văn dừng hẳn việc học tiếng Anh như trên. Tôi kiến nghị, nên bỏ chương trình học iSMART trong trường học”, anh C.N.L nhấn mạnh.
 
Không riêng anh L, nhiều phụ huynh khác phản ánh việc học chương trình iSMART trong trường học không hiệu quả. Phụ huynh khi nhận ra, sự việc đã rồi (lỡ ký vào đơn xin học). Nhiều người muốn xin ra nhưng đơn xin học đã cam kết học 5 năm; hoặc nếu xin ra, con họ sẽ bị chuyển lớp, chuyển trường...
 
Năm học 2022 - 2023, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 8.000 học sinh theo học tiếng Anh liên kết iSMART. Riêng đầu năm học 2023 - 2024, thành phố Buôn Ma Thuột có 16 trường Tiểu học đăng ký dạy học iSMART với trên 4.000 học sinh tham gia. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột, chương trình iSMART là hình thức bổ sung học ngoại ngữ, dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh, là tiết học tăng cường, chỉ được giảng dạy những tiết ngoài giờ sau 7 tiết học chính khóa. Việc bố trí lớp học là thẩm quyền của nhà trường nhưng việc một số nhà trường lấy lý do học chương trình tiếng Anh liên kết để bố trí lớp học là không đúng. Các học sinh không đăng ký học bị tách lớp là chưa phù hợp.
 
Về vấn đề nhà trường yêu cầu cam kết học 5 năm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, theo quan điểm của ngành, đây là môn học trên tinh thần tự nguyện. Nếu trong quá trình học không phù hợp, phụ huynh có quyền không đăng ký học. Nếu nhà trường yêu cầu ký cam kết 5 năm, đây là việc không đúng.
 
“Phòng Giáo dục sẽ kiểm tra lại toàn bộ việc tổ chức thực hiện của các trường, nếu không đúng sẽ có văn bản chỉ đạo thực hiện lại. Phòng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, thẩm định việc học có hiệu quả hay không. Vì nội dung chương trình học tiếng Anh, những đơn vị cung cấp cho nhà trường dạy liên kết là đơn vị đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cấp phép”, ông Nguyễn Hữu Thọ thông tin.
 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, trong cuộc họp giao ban mới đây, lãnh đạo Sở nhận được thông tin về việc triển khai học iSMART tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh không bằng lòng với cách thực hiện của các trường. Do đó, Sở sẽ chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra.
 
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđor cho biết, UBND tỉnh ghi nhận thông tin và sẽ có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh báo cáo tình hình thực hiện. Dựa trên kết quả báo cáo, UBND tỉnh sẽ có ý kiến chỉ đạo về vấn đề trên.

Nguyên Dung (TTXVN)
Khánh Hòa đầu tư trên 700 tỷ đồng chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Khánh Hòa đầu tư trên 700 tỷ đồng chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN