Trong số hàng trăm đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đã gửi về Bộ GD - ĐT, có 2 đề án tạo được nét riêng và được đánh giá cao là đề án tuyển sinh của trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Một trong những mục tiêu mà các trường đại học hướng tới trong tương lai là thay đổi cách thi, hướng tới đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh. Tiên phong trong việc thực hiện này là ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhiều trường quan tâm đến đánh giá năng lực học sinh. |
Đề án đổi mới tuyển sinh mà ĐH Quốc gia Hà Nội trình Bộ GD - ĐT tháng 2/2014, đã nêu lộ trình triển khai đổi mới tuyển sinh theo các năm: Cụ thể là thí điểm vào năm 2014, mở rộng vào năm 2015 (chiếm gần1/ 2 tổng số ngành đào tạo trong ĐH Quốc gia Hà Nội) và tiến tới thực hiện trên diện rộng đối với các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học có nhu cầu vào năm 2016.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là sự tích hợp các nội dung kiểm tra, đánh giá trên cơ sở khoa học về đánh giá năng lực. “Bài thi không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn, đồng thời những kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy. Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Chúng tôi tin tưởng rằng với phương thức đổi mới này không chỉ đánh giá được năng lực toàn diện của các em mà nó còn là phương pháp đánh giá vì sự học tập, vì sự tiến bộ của các em”, PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, cho biết.
Trong năm 2015, ĐH Quốc gia sẽ tổ chức 2 đợt đánh giá vào đầu tháng 5 và cuối tháng 7. Các thí sinh dự thi chỉ cần đăng ký tham gia làm bài thi đánh giá năng lực chung do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào một trong hai đợt. Sau khi tham gia đánh giá, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả đánh giá. Kết quả này cùng với bằng tốt nghiệp THPT (bản sao) sẽ là hồ sơ mà các em nộp cho các trường/khoa trong ĐH Quốc gia Hà Nội, để được xét tuyển vào ngành học các em đăng ký. Việc xét tuyển vào các ngành học sẽ lấy từ cao xuống đến ngưỡng sàn xác định cho từng ngành đào tạo.
“Để chuẩn bị cho bài thi này, trường đã chuẩn bị khá công phu và mất nhiều năm liền. Đặc biệt là ngân hàng câu hỏi với 4.500 câu hỏi không phải là dễ dàng, nó đòi hỏi sự cập nhật liên tục và tốn kém. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tự tin đưa vào áp dụng và nhận được phản hồi tốt của học sinh, sinh viên, nhà giáo cũng như các chuyên gia đầu ngành”, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.
Đánh giá về phương án tuyển sinh này của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đây cũng là phương án được trường ĐH Bách khoa bàn tới và rất muốn thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện nhân lực, vật lực chưa đủ nên trường không thực hiện được. Trường sẽ áp dụng dần dần phương thức này cho tuyển sinh của trường cho những năm sắp tới. Còn Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng đánh giá cao đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội và cho biết, cách thức thi này cũng phù hợp với hướng đổi mới tuyển sinh mà Bộ GD - ĐT đưa ra.
Một đề án tuyển sinh nữa được dư luận đánh gia cao là của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Theo nguyên tắc chung của đề án, quá trình tuyển sinh gồm 2 phần: Đánh giá năng lực và xét tuyển. Trong đó, đánh giá năng lực thông qua kiến thức, kỹ năng cần thiết để học ĐH của thí sinh. Còn việc xét tuyển thuộc quyền chủ động của các đơn vị, theo đặc thù của từng ngành, trường, vùng. Các tiêu chí xét tuyển bao gồm kết quả đánh giá năng lực và các tiêu chí phù hợp khác thể hiện tính tự chủ của các đơn vị trong công tác tuyển chọn.
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu tuyển chọn được sinh viên tốt nhất trên phương án thực hiện đơn giản và tránh gây áp lực cho học sinh và toàn xã hội, việc áp dụng các tiêu chí sẽ thực hiện theo một lộ trình cụ thể. Trước mắt, trong năm 2015 phương án xét tuyển được xây dựng chủ yếu trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, bài thi đánh giá năng lực hay thay đổi cách thi hướng tới năng lực người học là cách các trường đang hướng tới. Và với cách làm này, nhà trường phổ thông cũng sẽ có cơ hội điều chỉnh lại cách học phù hợp, thay vì chỉ học “lệch” 3 môn như truyền thống.
Bài và ảnh: Lê Vân