Cần điều chỉnh thống nhất
Theo GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), đạo đức nhà giáo là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được hình thành trong lịch sử, lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội và quan hệ thầy trò. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo thể hiện trong hành vi, ứng xử, thái độ của nhà giáo khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về đạo đức, nghề nghiệp nhà giáo còn tản mạn, xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, GS.TS Phạm Hồng Thái khuyến nghị, cần điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo trong Luật Nhà giáo, sau đó cụ thể hóa bằng nghị định của Chính phủ hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Văn bản này quy định đạo đức nghề nghiệp của tất cả nhà giáo, dù làm việc ở khu vực công hay tư. Quy định được áp dụng đối với nhà giáo nước ngoài làm việc tại cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời không phân biệt đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ở các cấp học.
Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở đào tạo có tính đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc phải thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, mỗi cơ sở có thể có những quy định riêng, nhưng không trái với quy định chung về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, chuẩn mực đạo đức hành nghề thể hiện tính chất chuyên nghiệp của một ngành nghề nào đó, góp phần quan trọng trong quá trình ra quyết định của chuyên gia, giúp làm rõ những trách nhiệm của chuyên gia với xã hội, mang lại sự yên tâm cho xã hội, giúp các chuyên gia duy trì sự công bằng, liêm chính trong quá trình hành nghề.
Về bộ quy điều đạo đức nhà giáo, khác với các quốc gia phát triển phương Tây coi việc ban hành và thi hành đạo đức nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của hiệp hội nghề nghiệp, đạo đức nghề giáo ở Việt Nam đã được luật hóa từ năm 2008 theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Quy định này là “cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, làm cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo.
"Nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo không phải là chuẩn. Đó là mục tiêu của việc tạo ra chuẩn nhà giáo. Nhà giáo sẽ được phân công nhiệm vụ theo từng chức danh nếu đạt chuẩn nhà giáo chung và nhà giáo theo cấp độ", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.
Đảm bảo đời sống
GS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, Luật Nhà giáo là luật khó. Bởi Luật này điều chỉnh đối tượng là nhà giáo, mà trong đời sống xã hội, nhà giáo có muôn vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Vì vậy, luật không chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, mà còn chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác. Hiện, các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên và bản thân các nhà giáo trong các trường sư phạm cũng là nhà giáo.
Từ thực tế này, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tiếng nói của các nhà giáo trong trường sư phạm, vừa với tư cách là đối tượng điều chỉnh, vừa với tư cách là một nhà khoa học, sẽ có cách nhìn, dự báo.
Tham luận về đào tạo nhà giáo, những vấn đề liên quan tới dự thảo Luật Nhà giáo, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ những nghiên cứu về mô hình đào tạo giáo viên của các nước, cũng như mô hình đào tạo truyền thống tại Việt Nam. Cụ thể, quy chuẩn đứng lớp ở nhiều nước chặt chẽ, ngặt nghèo, kèm theo chế độ chính sách; bởi khi đời sống giáo viên không được nâng cao, những yêu cầu đặt ra khó làm. Xu hướng đào tạo giáo viên trên thế giới là đào tạo tập trung, đầu tư có trọng điểm, đãi ngộ hấp dẫn. Do vậy, cần chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ GD&ĐT xác định, việc đề xuất việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ năm 2021-2025. Vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.