Trường Le Petit Chadignac ở thành phố Saintes của Pháp. Trường THPT chuyên Thăng Long ở thành phố Đà Lạt của Việt Nam. Hai cơ sở giáo dục cách nhau 13.000 km, nhưng gặp nhau trong một dự án hợp tác trao đổi đào tạo nghề và ngôn ngữ. Đây là một hướng đi mới trong lĩnh vực hợp tác phi tập trung giữa các địa phương của hai nước. Khởi động từ tháng 9/2022, chương trình hợp tác giữa hai trường ra đời nhằm xúc tiến hợp tác giáo dục trong lĩnh vực tiếng Pháp và nông nghiệp, tăng cường mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa học sinh của hai trường thông qua thực hành ngôn ngữ và trao đổi nghề nghiệp.
Theo giáo viên Savoie Sandrine tại trường Le Petit Chadignac kiêm điều phối viên dự án về phía Pháp, chương trình hợp tác tuy mới được triển khai, nhưng đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Đối tượng tham gia dự án là học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 của hai trường. Các em làm quen với nhau qua trao đổi thư điện tử (email), gặp gỡ giao lưu qua video. Đề tài trao đổi cũng rất đa dạng: từ trồng cây, làm vườn, đến kiến trúc cảnh quan Pháp; từ ẩm thực truyền thống đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật số, khoảng cách về địa lý đã được rút ngắn, chênh lệch về múi giờ cũng được khắc phục. Cô giáo Sandrine bày tỏ tin tưởng về lâu dài, chương trình hợp tác có thể tiến xa hơn, ví dụ như trường Le Petit Chadignac có thể đón các học sinh đến từ Việt Nam, hoặc ngược lại.
Thầy Bùi Nguyễn Hiệp, giáo viên tiếng Pháp của trường chuyên THPT Thăng Long, phụ trách chương trình phía Việt Nam, cho biết học sinh của hai trường đã cùng thành lập một trang web để giới thiệu về bản thân, trường lớp, cùng tổ chức hoạt động kỷ nhiệm ngày Pháp ngữ 20/3… Trong khi đó, giáo viên trao đổi qua email hoặc gặp gỡ trực tuyến, đề cập những công việc cụ thể để giúp các học sinh trao đổi, giao lưu văn hóa và thực hành tiếng Pháp.
Nói về khó khăn, bà Myriam Huet, Giám đốc Agrocampus de Saintonge, đơn vị quản lý trường Le Petit Chadignac, cho biết hạn chế lớn nhất là ngôn ngữ. Tuy nhiên, theo bà, một khi có ý chí quyết tâm cùng sự nhiệt huyết cũng như hướng tới lợi ích của cả hai nước, mọi khó khăn đều có thể giải quyết.
Đây cũng là quan điểm của cô giáo Đinh Thị Mai Trang, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Thăng Long. Đánh giá về kết quả ban đầu, cô Mai Trang cho biết ngày càng có nhiều học sinh hào hứng viết bài trên mạng và tham gia chương trình trên với mong muốn thực hành tiếng và làm quen với những người bạn mới. Cô Mai Trang cũng cho biết phía bạn đã đề nghị hợp tác sâu hơn và hai bên sẽ tiến tới ký kết thỏa thuận trao đổi hợp tác trong tương lai.
Đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như trình độ và tinh thần ham học hỏi của các bạn trẻ trường Thăng Long, ông Michel Amblard, Phó Chủ tịch Phòng Nông nghiệp của tỉnh Charente-Maritime, nơi có thành phố Saintes, khẳng định chính quyền tỉnh sẵn sàng đón nhận các học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam, tới thực tập để cùng nhau trao đổi và xây dựng các dự án nghiên cứu nhằm phát triển nông nghiệp không chỉ ở Pháp mà cả ở Việt Nam.
Là một trong những người ủng hộ sự phát triển của dự án, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng nông nghiệp là thế mạnh của cả hai nước, và mô hình hợp tác giữa hai trường Le Petit Chadignac và Thăng Long mở ra triển vọng đáng khích lệ, cần thúc đẩy trong tương lai. Đại sứ nhấn mạnh cả Pháp và Việt Nam đều mong muốn thúc đẩy sản xuất, cung cấp nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, trở thành những nền nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Trong thời gian tới, cần nhân rộng mô hình hợp tác trong lĩnh vực này để có một nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới, cũng như tới Pháp và châu Âu.
Trường THPT Chuyên Thăng Long là cái nôi nuôi dưỡng và đạo tạo nên nhiều thế hệ học sinh toàn diện. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là một mũi nhọn đáng tự hào của trường. Nhiều năm liền, trường luôn khẳng định vị thế hàng đầu ở tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường có tính thực tiễn, gắn với các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như công nghệ về sinh học, ứng dụng vật lý hạt nhân trong y sinh, nông nghiệp thông minh...
Trong khi đó, Trường trung học cảnh quan và làm vườn Le Petit Chadignac nổi tiếng về đào tạo các chuyên ngành thiết kế cảnh quan, trồng hoa, cây cảnh và cây ăn quả, tư vấn - bán hàng trong lĩnh vực làm vườn. Dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong việc đào tạo và hỗ trợ chuyên nghiệp cho những người trẻ tuổi, trường được đánh giá là một trung tâm đào tạo nghề có uy tín trong lĩnh vực làm vườn và cảnh quan nông nghiệp.
Với những nét tương đồng, bằng cầu nối là ngôn ngữ tiếng Pháp, hy vọng dự án hợp tác giữa hai trường sẽ là một hình mẫu trong mô hình hợp tác phi tập trung giữa các địa phương của hai nước Việt Nam và Pháp.