Theo điều lệ trường mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 7/4/2008 thì trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi sẽ được nhận vào học tại trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập. Tuy nhiên do áp lực phải ưu tiên lớp cho trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non nên nhiều trường mẫu giáo công lập đã không còn chỗ tiếp nhận trẻ dưới 3 tuổi. Phụ huynh phải chạy xuôi, chạy ngược tìm các chỗ nhận giữ trẻ. Nắm bắt được nhu cầu này các nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân mọc ra khắp nơi nhưng đa phần đều không đảm bảo các yếu tố cần thiết cho việc trông giữ trẻ, từ diện tích đến vệ sinh an toàn.
Những người giữ trẻ cũng không có chuyên môn, không được đào tạo, trong khi những trẻ được gửi tại đây hầu hết đều ở độ tuổi quá nhỏ nên những hiểm nguy tiềm ẩn xảy ra là rất lớn. Và thực tế đã xảy ra không ít những vụ đau lòng khiến trẻ thiệt mạng như cháu bé chết vì ngã vào xô nước, sặc cháo, kẹt trong thang máy... Mới đây nhất dư luận xã hội lại một lần nữa phẫn nộ khi giáo viên và bảo mẫu của cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP. Hồ Chí Minh) bạo hành các cháu bé từ 10 tháng đến 4 tuổi.
Trước đây, ở thời bao cấp, những nhà máy, xí nghiệp thường có các khu tập thể cho công nhân ở và xây dựng các nhà trẻ để giữ trẻ thì giờ đây dường như mô hình đó không còn tồn tại. Bây giờ Nhà nước không thể kham nổi để xây dựng quy mô trường lớp mầm non nên việc các trường mầm non tư thục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu, giải quyết “thị phần” mà nhà nước không thể làm được là điều tất yếu. Tuy nhiên công tác quản lý hoạt động của các nhóm trẻ gia đình và trường mầm non tư thục dường như cũng đang bị buông lỏng từ khâu cấp phép cho đến thanh kiểm tra. Điều này thể hiện ở việc có rất nhiều cơ sở trông giữ trẻ không đạt tiêu chuẩn quy định được thành lập hoặc không có giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều nơi không có các giáo viên đủ trình độ chuyên môn trông dạy trẻ, không được đào tạo bài bản từ chủ đầu tư tới bảo mẫu, giáo viên.
Đã đến lúc các ngành chức năng phải đặt vấn đề giáo dục bậc học mầm non lên hàng đầu với những chính sách như quy định bắt buộc (chứ không dừng lại ở việc đề nghị, khuyến khích) các khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư phải xây dựng các nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân, dân cư.
Mỗi địa phương cần chú trọng việc xây thêm trường mầm non để đảm bảo nhu cầu học tập của trẻ em tránh tình trạng như hiện nay muốn tìm một suất vào học mầm non công lập là điều hết sức khó khăn với nhiều người. Nếu các địa phương chưa thể thực hiện được việc xây dựng trường, lớp mầm non thì cần kêu gọi xã hội hóa bằng cách cho thành lập các trường tư thục có sự quản lý chặt chẽ không thể chấp nhận tình trạng một cơ sở hoạt động không phép trên địa bàn mà chính quyền địa phương không hề hay biết.
Văn Thy Hoàng