Đâu rồi khẩu hiệu 'tất cả vì học sinh thân yêu'!

GS. TSKH Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, người có nhiều năm từng giảng dạy ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết những năm 80, 90 của thế kỷ trước, giáo viên muốn có thêm thu nhập cải thiện đời sống thì ngoài việc dạy trên lớp phải làm thêm những nghề phụ như làm bánh rán, bán lạc rang chứ không hề nghĩ đến dạy thêm học thêm. Phụ huynh học sinh lúc đó không đủ tiền nuôi con chứ nói gì đến cho con học thêm.


Thời kì đó thi đại học rất khó, nếu không đỗ năm sau cũng không được thi lại như bây giờ. Do đó, học sinh muốn thi đỗ chỉ còn cách tự học để bổ sung kiến thức. Các thầy cô giáo muốn học trò mình thi đỗ thì chỉ phụ đạo thêm, hoàn toàn không thu tiền. “Đó là nhiệm vụ của giáo viên, bản thân tôi khi đó dạy học cũng phải đi phụ đạo cho sinh viên lúc họ có yêu cầu”, GS Hoàng Xuân Sính khẳng định.


Quản lý chặt dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh phổ thông đang là vấn đề nan giải với Hà Nội. Trước hết do nhu cầu của xã hội coi trọng bằng cấp và lo lắng của cha mẹ học sinh đã gây áp lực lên việc học hành của con cái. Bên cạnh đó, do việc quản lý dạy thêm, học thêm ở địa phương còn lỏng lẻo.


Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Giờ đây, dù một số giáo viên, phụ huynh học sinh biết việc dạy thêm, học thêm là vô bổ, nhưng giáo viên thì tiếp tục tổ chức dạy thêm và cha mẹ học sinh thì vẫn cho con học thêm. Giáo viên giàu lên nhờ dạy thêm và chủ yếu là những giáo viên dạy các môn chính để ôn thi tốt nghiệp và thi vào đại học. Có những giáo viên ở những trường nổi tiếng dạy thêm thu nhập 500 triệu đồng/tháng. Giáo viên THPT môn Anh văn và Toán dạy thêm có thể mấy năm mua được một căn hộ.


Từ thực tế đó, toàn quốc nở rộ dạy thêm, học thêm, kết quả là nhiều giáo viên giàu lên. Bên cạnh đó, lương cơ bản của giáo viên còn thấp nên việc “lách luật” để dạy thêm cải thiện thu nhập vẫn diễn ra.


Về phía học sinh và gia đình, đâu phải tất cả đều muốn học thêm. Hãy làm thử một cuộc điều tra xã hội có thể cho thấy kết quả rất bất ngờ, khi mong muốn được dạy thêm - học thêm lại xuất phát từ nhà trường và bản thân một số giáo viên. “Tất cả vì học sinh thân yêu” chỉ là câu nói quá xưa, nay vì thành tích và vì có thêm thu nhập mới là thực chất của vấn đề.


Để dập tắt được vấn đề này là điều không dễ, tuy nhiên nếu giải quyết được việc thi vào đại học một cách hợp lý hay có thể bỏ hẳn thi vào đại học và cải thiện được thu nhập cho giáo viên thì tình trạng tiêu cực dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay sẽ tự nó tàn vì người ta không còn nhu cầu. Điều này đòi hỏi nền kinh tế của đất nước phải vững để giải quyết những bài toán của giáo dục.


Gần đây một số cơ quan truyền thông mở diễn đàn xung quanh vấn đề “Học thêm có tốt không?” Nhiều người khẳng định là không. Ngược lại, tràn lan học thêm sẽ khiến học sinh ỷ lại, lười suy nghĩ, hạn chế khả năng nghiên cứu và sáng tạo. Trong khi sáng tạo, tự học chính là những kỹ năng cần cho các cấp học cao hơn cũng như công việc sau này.


Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, ngành chủ quản đã ban hành Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong đó có những quy định mới và cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy thêm học thêm chính đáng. Ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không lành mạnh, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh.


Nhưng nhiều người cho rằng để giải quyết cốt lõi vấn nạn này, chủ công vẫn là ngành giáo dục phải biên soạn lại nội dung và chương trình để không còn cảnh học sinh mới vào lớp 1 đã phải học thêm. Các nước tiên tiến trên thế giới học sinh không học thêm văn hóa mà chủ yếu học thêm các môn năng khiếu, vậy mà họ không tụt hậu về giáo dục bao giờ.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, sẽ tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình dạy thêm học thêm ở một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm tăng cường quản lý nhà nước, có biện pháp quyết liệt. Sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.


Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên tổ chức khảo sát, đánh giá, tổng kết giữa mặt tích cực là những đóng góp cho xã hội của việc dạy thêm, học thêm với những tiêu cực đã xảy ra. Từ đó, rút ra được những kinh nghiệm hay, tìm ra được những mô hình phù hợp, có giải pháp hợp tình hợp lý để quản lý tốt dạy thêm học thêm.



Phương Anh

Bao giờ có triết lý mới cho nền giáo dục?
Bao giờ có triết lý mới cho nền giáo dục?

Nền giáo dục đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Nói là “toàn diện” thì kết quả “phiến diện”; Đề ra đường hướng “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, nhưng cứ loay hoay với việc dạy chữ; Trong dạy-học mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa học vấn và năng lực hoạt động, giữa hiểu biết và văn hóa ứng xử…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN