Tích cực triển khai
Hiện nay, nhiều trường học đã nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong việc giáo dục toàn diện, giúp học sinh có đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện tốt. Một số trường trung học phổ thông, trung học cơ sở đã thành lập phòng tư vấn tâm lý và đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả bước đầu. Các nhà trường đã chủ động vận động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa để đầu tư các trang thiết bị, hỗ trợ hoạt động của phòng tư vấn tâm lý.
Cần đầu tư có bài bản cho hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Ảnh: Giaoducthudo |
Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã được các trường học triển khai dưới nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua gia đình, giáo viên, bạn bè, tư vấn qua điện thoại, email hoặc qua các diễn đàn, các trang mạng xã hội, tư vấn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề...
Một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai công tác tư vấn tâm lý, bố trí được đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tư vấn tâm lý như Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã tham mưu và được UBND thành phố bố trí biên chế giáo viên tư vấn cho hầu hết các trường phổ thông. Hàng năm, đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý được tập huấn, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang triển khai Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” do tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ áp dụng trong phạm vi 20 trường học trên địa bàn Hà Nội...
Một số nhà trường đã thành lập, đưa vào hoạt động các câu lạc bộ truyền thông với đội ngũ cộng tác viên là các em học sinh đã được đào tạo qua các lớp tập huấn về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên về hỗ trợ các lớp học.
Còn nhiều vướng mắc
Đánh giá về kết quả triển khai công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, công tác tư vấn tâm lý vẫn chưa được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở các trường THCS và THPT.
Hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều kiện cơ sở vật chất, các tài liệu phục vụ quá trình tổ chức tư vấn còn thiếu thốn, nội dung tư vấn tâm lý chưa được nghiên cứu, chỉ đạo đầy đủ, bài bản.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nhiều học sinh có tâm lý ngại đến phòng tư vấn, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết nên việc nắm bắt tâm lý trong học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức lồng ghép hoạt động tư vấn tâm lý với giáo dục các nội dung tư vấn sức khỏe giới tính, kỹ năng sống, hướng nghiệp chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia do các em còn có tâm lý e ngại, thiếu tính chủ động.
Đặc biệt, công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục học sinh chưa được quan tâm, nhất là chưa phát huy được vai trò của cha mẹ học sinh trong việc phát hiện sớm và phối hợp xử lý, can thiệp kịp thời đối với các học sinh có những biểu hiện khác thường, cần được giúp đỡ.
Theo các chuyên gia giáo dục, hoạt động tư vấn tâm lý học đường thật sự cần thiết trong mỗi nhà trường, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý giáo dục nhằm giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn. Để công tác tư vấn trường học là một hoạt động có ý nghĩa, góp phần giải quyết hiệu quả các khó khăn trong đời sống tâm lý của học sinh, các nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề như mời các chuyên gia tư vấn tâm lý nói chuyện, trao đổi với học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng như xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông.