Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Cần có chương trình chính thức

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa tổ chức Hội thảo hẹp thảo luận về việc dạy các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên, khởi động cho việc thực hiện thí điểm nội dung trên đây vào năm học 2011 - 2012. Lãnh đạo, giáo viên một số trường thí điểm đã chia sẻ những khó khăn cần được ngành sớm khắc phục…

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ đã bắt đầu triển khai, trong đó có nội dung “Nghiên cứu, thí điểm áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm; thí điểm áp dụng việc giảng dạy môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh tại một số trường THPT chuyên”. Đề án này cùng với đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” là “đòn bẩy kép” trong việc thực hiện nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả giáo viên và học sinh Việt Nam.

Phòng học ngoại ngữ của trường THCS Đống Đa (Hà Nội).
Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc triển khai dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đã được thực hiện tại các trường THPT chuyên KHTN-ĐH Quốc gia Hà Nội, THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM… Kết quả thí điểm cho thấy bước đầu đã có một số thành công. Nhưng cũng còn nhiều tồn tại về trình độ tiếng Anh của giáo viên chưa đạt yêu cầu, học sinh có sự chênh lệch lớn về trình độ, chưa có chương trình học chính thức, tài liệu dạy học thiếu thốn... “Đây là thách thức lớn đòi hỏi cần phải bàn bạc, xây dựng lộ trình phù hợp”, ông Chuẩn khẳng định.

Khó khăn đầu tiên với các trường thí điểm là sự chênh lệch khá lớn của trình độ học sinh. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên KHTN (ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Học sinh đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có trình độ tiếng Anh chênh lệch lớn. Vì vậy trước khi triển khai, chúng tôi phải kiểm tra trình độ tiếng Anh nhằm phân loại trình độ học sinh và có phương án kịp thời để bồi dưỡng”. Đồng tình với quan điểm này, cô Quách Phạm Thùy Trang, giáo viên môn hóa học, trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Trình độ không đồng đều giữa các học sinh khiến giáo viên rất vất vả trong quá trình dạy. Như việc vừa dạy môn của mình đồng thời dạy luôn cả tiếng Anh. Trong khi giáo viên hiện nay chưa có một chương trình cụ thể hay chính thức nào về việc dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh, vì thế việc giảng dạy còn rất khó khăn. Tôi cũng như nhiều giáo viên đảm nhận trách nhiệm thí điểm dạy, ngoài việc thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, còn phải tự “mò mẫm” xây dựng các bài giảng bằng tiếng Anh cho mình”. Một băn khoăn nữa mà cô giáo Trang đề cập đến là hệ thống các kì thi như học sinh giỏi các cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ… đều bằng tiếng Việt. Nên nếu học sinh chỉ học các kiến thức bằng tiếng Anh nhưng lại phải thi bằng tiếng Việt liệu có thiệt thòi cho các em không?!

Th.S Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Khâu then chốt quyết định sự thành công trong việc dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh là việc đào tạo và bồi dưỡng kĩ năng ngoại ngữ thực hành cho các giáo viên. Đồng thời, cũng cần có một cơ quan độc lập và khách quan nhằm đánh giá chất lượng việc giảng dạy các môn học này tại các trường THPT chuyên”.

Trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ phối hợp với các trường để bồi dưỡng nghiệp vụ dạy học bằng tiếng Anh cho giáo viên, tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu... Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các trường THPT chuyên chủ động triển khai thí điểm với các hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng trường. Mặt khác, khuyến khích các trường phối hợp, hỗ trợ nhau về giáo viên, tài liệu giảng dạy... trong bước khởi đầu.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN