Chủ động triển khai nhiều giải pháp
Nhằm đảm bảo nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, trường học và đảm bảo kết thúc năm học 2019-2020 theo khung kế hoạch điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hoàn thành công tác tổ chức rà soát, tinh giản chương trình, kế hoạch dạy học.
Mặt khác, để đảm bảo chất lượng dạy và học bằng hình thức trực tuyến, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã chủ động tập huấn, triển khai nhiều phần mềm học trực tuyến cho các đơn vị, trường học như: Phần mềm VNPT-ELearning của VNPT Cà Mau; phần mềm ViettelStudy của Viettel Cà Mau; phần mềm Trí Việt E-Learning; phần mềm Zoom Cloud Meetings trên PC, Android và iOS…
Một trong những hình thức học trực tuyến phổ biến khác tại các trường trong thời gian vừa qua là việc tạo nhóm trên các mạng xã hội như: Zalo, Facebook hoặc các mạng nội bộ của trường để giáo viên và học sinh cùng trao đổi kiến thức hoặc tự học với nhau.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng học sinh có sự phân hóa, chênh lệch giữa các địa phương vùng sâu, vùng xa và khu vực thành thị. Sự chênh lệch này không chỉ về chất lượng dạy, học, mà còn là điều kiện học tập.
Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các trường chủ động triển khai nhiều phương pháp cùng lúc, tạo sự linh động trong hoạt động dạy và học tại địa phương.
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau thông tin, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng trường học đẩy mạnh dạy học trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, hoạt động này phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị mà triển khai phù hợp.
Tại đơn vị nào, học sinh có điều kiện thuận lợi sẽ triển khai dạy trên các phần mềm trực tuyến. Tại những trường có nhiều học sinh không có điều kiện học trực tuyến, hạ tầng mạng hạn chế, Sở đã chỉ đạo các trường hướng dẫn giáo viên giảng dạy cho học sinh thông qua hình thức soạn giảng, giao bài tập cho từng học sinh cụ thể.
“Các giáo viên bộ môn sẽ phụ trách soạn giảng, photo giao bài cho từng học sinh. Học sinh sẽ nộp trả bài và giáo viên sẽ kiểm tra kiến thức mà học sinh đã lĩnh hội. Từ đó, giáo viên sẽ có định hướng kế hoạch giảng dạy cho thời gian tới. Trong thời gian đó sẽ có sự kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, đảm bảo mặt bằng kiến thức chung đối với học sinh”, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, nhấn mạnh.
Giúp học sinh củng cố kiến thức đã học trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19, tiếp thu kiến thức mới theo hướng điều chỉnh, tinh giản nội dung chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau tổ chức dạy học trên sóng truyền hình.
Để chuẩn bị cho việc dạy học trên truyền hình đạt hiệu quả, trước đó, Sở đã huy động 42 giáo viên của các trường khẩn trương xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng, bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản.
Cô Trần Thị Thúy, Giáo viên Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu, thành phố Cà Mau, cho biết các giáo viên tham gia giảng dạy trên truyền hình đều xác định chuẩn kiến thức để truyền đạt cho học sinh. Trong đó, các thầy cô chú trọng sẽ ôn tập, củng cố và hệ thống lại cho các em những kiến thức ở học kỳ I. Khi giảng dạy bài mới, mỗi giáo viên đều chọn những chuyên đề, những kiến thức trọng tâm, quan trọng để truyền thụ cho các em.
Cần có sự phối hợp
Tại các vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiếu thốn khiến điều kiện dạy, học trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Tại thành thị, nhiều em học sinh lại có thể “lợi dụng” thời gian học trực tuyến để làm việc riêng, giáo viên và cả phụ huynh không kiểm soát được.
Chia sẻ về nỗi lo này, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Khi sử dụng các phần mềm học trực tuyến, mỗi học sinh có một tài khoản và làm bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Kết quả bài tập của học sinh được thể hiện trên tài khoản, giúp giáo viên dễ dàng kiểm tra. Mặt khác, giáo viên vẫn có thể theo dõi, đánh giá chất lượng học tập cũng như quản lý thời lượng “lên lớp” của từng học sinh.
“Các cơ sở giáo dục phải hướng dẫn, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cùng tham dự giờ học trên đài truyền hình; sau đó hướng dẫn học sinh của mình thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong các giờ học, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, chấm bài tập cho các em…”, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự chia sẻ thêm, việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình rất quan trọng, không chỉ để gia đình quản lý được việc học từ xa của con em mình, mà còn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy và học trực tuyến tại các đơn vị, trường học, từ đó kịp thời hỗ trợ hoặc phản ánh nếu các đơn vị, trường học không thực hiện nghiêm túc.
Em Trương Thảo Anh, lớp 12 C6, Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Thời chia sẻ, ngày 8/4 cũng là ngày đầu tiên em tham gia học trên truyền hình. Cảm giác tuy mới mẻ so với cách học truyền thống trước đây, nhưng em nhận thấy các chuyên đề mà thầy cô giảng dạy rất dễ hiểu, dễ tiếp cận. Riêng đối với những kiến thức cũ ở học kỳ I, em cũng dễ dàng hệ thống hơn, bởi đây đều là những kiến thức cơ bản đã được thầy cô tinh giản, chắt lọc nên rất dễ nắm bắt.
Hình thức học trực tuyến hay thông qua truyền hình không chỉ góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, mà hơn cả là đang mở ra hướng mới trong cách dạy và học cho từng giáo viên, học sinh tại địa phương. Bởi trong thời kỳ kỹ thuật số phát triển như hiện nay, việc tiếp cận nhiều phương pháp học tập khác nhau sẽ giúp học sinh phát huy tính tự học, tự rèn luyện và tiếp cận nhiều công nghệ học tập mới.