Sau hơn 4 năm, TP.HCM thực hiện chương trình dạy thí điểm môn toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại một số trường THPT, bước đầu chương trình đã đạt được những hiệu quả đáng kể, tuy nhiên chương trình này đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Thiếu mọi nguồn lực
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, từ năm 2008 đến nay đã có 10 trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện thí điểm chương trình dạy toán và một số môn khoa học tự nhiên khác bằng tiếng Anh. Tổng số đã có 1.600 học sinh phổ thông được tham gia các lớp học: toán, lý, hóa, sinh vật có sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy. Bước đầu, chương trình đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh phổ thông, giúp học sinh làm quen với một số thuật ngữ chuyên ngành, nâng cao khả năng tư duy, cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các em dễ dàng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chương trình chỉ ở mức độ thí điểm nhằm giúp học sinh làm quen với một số thuật ngữ chuyên ngành nên thời lượng học không nhiều, tối đa cho mỗi môn học là 2 tiết/tuần.
Việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh còn thiếu rất nhiều thứ. |
Bên cạnh đó, đa số các trường đang thực hiện thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đều cho rằng: Việc thí điểm thực hiện chương trình trên đang vướng phải rất nhiều khó khăn như chưa có giáo trình thống nhất, công tác kiểm tra đánh giá còn nhiều bất cập, thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn và trang thiết bị...
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các trường vẫn là thiếu giáo viên có trình độ tiếng Anh và năng lực chuyên môn. Hiện hầu hết giáo viên tại các trường chưa thể dạy các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ, do đó các trường phải tìm giáo viên thỉnh giảng bên ngoài nên rất bị động về nguồn nhân sự. Trong khi đó, nguồn ngân sách để mời giáo viên thỉnh giảng cũng gặp nhiều khó khăn.
Đại diện trường THPT Gia Định (Bình Thạnh) cho biết: Việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được sự ủng hộ rất nhiệt tình của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trường khó có thể đáp ứng được nhu cầu học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh của học sinh và phụ huynh, bởi giáo viên giảng dạy ở lĩnh vực này còn thiếu. Hiện trường có 270 học sinh của 9 lớp tham gia chương trình trong bốn môn học gồm toán, lý, hóa, kinh tế. Trường có 5 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình này, nhưng chỉ có 1 giáo viên là cán bộ của trường, còn lại đều là giáo viên thỉnh giảng.
Bên cạnh đó, tài liệu dạy học ở các trường khác nhau, hầu hết các trường tự xây dựng tài liệu dạy học trên cơ sở nghiên cứu sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Mỹ, Ôxtrâylia, Xinhgapo. Do chưa có sự thống nhất về giáo trình giảng dạy, nội dung giảng dạy khác nhau nên cũng khó để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường. Công tác kiểm tra đánh giá cũng gặp nhiều khó khăn.
Cô Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) băn khoăn: Hiện nay nội dung chương trình giảng dạy vẫn chưa có sự thống nhất. Đa số các trường tự soạn tài liệu để giảng dạy. Tuy nhiên, những học sinh tham gia học chương trình này sẽ được đánh giá như thế nào và có được cấp bằng quốc tế hay không?
Cần có chiến lược lâu dài
Để chương trình dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được vận hành tốt, nhiều trường cho rằng cần phải có chiến lược lâu dài. Đồng thời phải xác định được mục tiêu cụ thể cần đạt được sau mỗi cấp, lớp để nhà trường và giáo viên có cơ sở để biên soạn tài liệu giảng dạy.
Thầy Kim Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Tiêu chí của việc dạy toán bằng tiếng Anh là để học sinh có thể đọc, hiểu, viết bài bằng tiếng Anh nhằm hỗ trợ cho công việc học tập, nghiên cứu sau này. Qua chương trình này, học sinh có thể tự đọc tài liệu, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môn học và có thể trình bày sự hiểu biết của mình về môn học khi cần thiết, việc này giúp ích rất nhiều cho học sinh khi tham gia các kỳ thi quốc tế hoặc có nguyện vọng đi du học sau này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có một kế hoạch cụ thể như: áp dụng chương trình học từ cấp lớp nào, từ lớp 6 hay lớp 10; việc thi cử cho học sinh tham gia chương trình này thực hiện thế nào, các em làm bài thi bằng tiếng Anh hay tiếng Việt; học phí phải đóng khi tham gia chương trình này là bao nhiêu...
Theo thầy Trần Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chúng ta vẫn chưa có chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức giáo viên bỏ ra. Do đó, cần tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt chú ý đào tạo những giáo viên đang dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường về ngoại ngữ chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên làm công việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh như: hỗ trợ công tác dịch thuật, biên dịch, biên soạn tài liệu giảng dạy...
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, do đang trong quá trình thí điểm nên các trường khó tránh khỏi các khó khăn. Thời gian tới, Sở sẽ lên kế hoạch tính toán về thời lượng, tài liệu, chương trình thống nhất để hướng dẫn các trường. Đặc biệt sẽ chú trọng đến việc hợp tác để nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng cho chương trình vì đây là yếu tố quan trọng nhất.
Đan Phương