Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại điểm thi trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), hầu hết các thí sinh đều phấn khởi vì đề thi khá dễ. Hoàn thành bài thi ở tổ hợp môn Khoa học xã hội, thí sinh Ngô Phi Yến phấn khởi cho biết, đề thi không quá khó, đa số đều nằm trong chương trình ôn tập và trong sách giáo khoa.
“Trong ba môn thi thì môn Lịch sử khó nhất bởi khá nhiều dữ kiện, còn ở môn Địa lý chỉ cần sử dụng Atlat có thể làm được, môn Giáo dục công dân là dễ nhất và ở môn này em không mất quá nhiều thời gian để làm bài”, Phi Yến cho biết.
Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, em Nguyễn Huỳnh Thảo Hương, thi khối Khoa học xã hội, chia sẻ: “Em làm được khoảng 80%, đề vừa sức với em. Trong đề có những câu rất dễ, nhưng những câu nào khó là khó cực kỳ. Cũng may là số lượng các câu khó ít hơn”.
Còn thí sinh Đinh Quảng Đại thi môn Khoa học tự nhiên cho biết: “Em thấy đề thi năm nay khá dễ, môn nào em cũng làm được cả. Em ôn tập khá kỹ lưỡng nên cảm thấy rất tự tin. Chỉ có môn Vật lý là hơi khó, em làm được tầm 70% thôi. Em dự định đăng ký vào trường ĐH Công nghệ thông tin”.
Tương tự ở môn thi Khoa học tự nhiên, thí sinh Nghi Phương cho biết, đề thi khá dễ, không có những câu hỏi đánh đố thí sinh và hầu như nằm trong chương trình ôn tập. “Em tập trung ôn thi môn Vật lý vì môn này em dùng để xét đại học, nhưng em thấy đề thi môn Hóa và môn Sinh học rất dễ, đủ để các bạn làm được trên 5 điểm xét tốt nghiệp”, thí sinh Nghi Phương nói.
Đánh giá về đề thi môn Hóa học, các giáo viên đều cho rằng, so với năm trước, đề năm nay có phần nhẹ nhàng, tinh giản, thí sinh "dễ thở" và dễ dàng chiếm trọn điểm 7 - 8 điểm, điều này phù hợp với bối cảnh xã hội, một kì thi mang tính chất lịch sử, hết sức đặc biệt bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đề thi thể hiện hai mức độ rõ rệt để phục vụ tốt nghiệp và phân loại cao thí sinh thi vào các trường đại học.
Cô Nguyễn Thanh Trúc, giáo viên chuyên Hóa cho biết: "Nội dung đề thi bám sát theo nội dung đã giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần với đề thi minh họa Bộ đã công bố trước đây. Nhìn chung ở 35 câu hỏi đầu tiên ở mức độ hiểu biết đơn giản học sinh dễ dàng trả lời nhanh. Các bài toán không đánh đố học sinh. Điểm dao động từ 7 - 8 điểm. Có khoảng 8 câu cuối khó và phân loại cao, dùng phân loại thí sinh chiếm 2 điểm".
Với đề thi môn Vật lý trong tổ hợp Khoa học tự nhiên, thầy Vũ Quốc Dũng, Trường THPT Nguyễn Du đánh giá khá khó, tính phân hóa cao. "So với đề minh họa thì khó hơn nhiều, với đề minh họa các em có thể đạt 9-9,5 điểm, còn đề thi này thì các em khó kiếm được điểm 8. Mức điểm đại trà ở khoảng 5-6 điểm", thầy Vũ Quốc Dũng cho biết.
Với môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Mộng Thu, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nhận định: "Đề thi môn GDCD phù hợp với năng lực học sinh. Trong đó phần câu hỏi lý thuyết chiếm phần lớn, khoảng 30 câu; phần câu hỏi vận dụng và vận dụng cao khá ít dùng để phân hóa học sinh khá giỏi. Với đề này, học sinh dễ dàng đạt điểm 7-8, những em vận dụng tốt kiến thức và thực tế có thể đạt điểm giỏi".
Đối với môn Lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên trường THPT Long Thới, đánh giá đề thi vừa sức, phù hợp xét tốt nghiệp THPT. Theo đó, trong đề thi, phần lịch sử Việt Nam có 29 câu, phần lịch sử thế giới 11 câu. Trong đó, chương trình lớp 11 có 2 câu, còn lại là lịch sử lớp 12. Lịch sử lớp 12 tập trung chủ yếu nội dung học kỳ 1 chiếm 31 câu (chiếm khoảng 78%). Đề thi bám sát cấu trúc đề mình họa lần 2 môn Lịch sử của Bộ. Học sinh có khả năng làm được hơn 50% đề thi và phổ điểm có thể nhích lên so với năm trước.
Nhận định về đề thi môn Địa lý, các giáo viên cho rằng, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 với 75% thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi).
Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh. Ngoài ra, những câu hỏi thuộc phần kiến thức 7 điểm chủ yếu thuộc hai chuyên đề Địa lý vùng kinh tế và Địa lý ngành kinh tế; 25% câu hỏi còn lại trải đều tất cả các chuyên đề của lớp 12 và tập trung vào chuyên đề Địa lý tự nhiên và Địa lý vùng kinh tế. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề Địa lý tự nhiên và Địa lý vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.