Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ diễn ra. Đề thi tốt nghiệp tiếp tục được ra theo hướng “mở” - nghĩa là 50% điểm số của mỗi đề thi sẽ dành cho những câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức đã khiến cho không ít thí sinh lo lắng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, chỉ cần các em không phạm quy và nắm vững kiến thức cơ bản, kết quả thi sẽ ổn thỏa.
Chú ý chấp hành quy chế
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 về cơ bản ổn định như năm 2010. Nghĩa là phần quy chế thi vẫn rất nghiêm.
Thí sinh phấn khởi sau giờ thi môn vật lý tại hội đồng thi trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc – TTXVN |
Theo quy chế thi năm nay, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.
Huỷ kết quả thi và cấm thi đối với thí sinh từ 1 đến 2 năm nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ…
Đối với các trường hợp đi thi hộ: Hủy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại các kỳ thi cùng năm; đuổi học nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục; đề nghị truy tố trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm…
Đặc biệt, thí sinh lưu ý không được mang điện thoại di động trong người. Một số thí sinh để quên điện thoại di động trong người dù đã tắt máy nếu bị phát hiện đang trong giờ làm bài sẽ bị đình chỉ thi.
Câu hỏi mở quyết định điểm cao
Riêng đề thi và hình thức thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 8255 ngày 7/12/2010 về việc thi tốt nghiệp THPT năm 2011 gửi các sở GD-ĐT. Trong đó nêu rõ đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Như vậy thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản ở mức thuộc bài có thể đạt điểm trung bình. Điểm thi có cao hay không, do đó phụ thuộc nhiều vào việc trả lời các câu hỏi mở.
Riêng đối với phần đề ra theo “mở” thì ngay từ năm 2009, đề thi các môn tự luận được ra theo hướng này nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức và sáng tạo của học sinh, nhất là đề thi môn ngữ văn, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đề thi năm 2011 tiếp tục phát huy theo hướng tích cực này. Những câu hỏi mở là cơ hội cho thí sinh có học lực tốt giành mức điểm khá, giỏi.
“Đối với các câu hỏi “mở”, “thí sinh hoàn toàn không cần lo lắng về điều này. Bởi Cục Khảo thí sẽ có hướng dẫn chấm cụ thể, chỉ ra cách thức cho điểm với những cách trả lời khác nhau của học sinh. Bên cạnh đó, quy chế thi đã quy định trước khi chấm các bài tự luận, các tổ chấm phải tổ chức cho các giám khảo nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD - ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi”, ông Nghĩa khẳng định.
Với cấu trúc đề thi gồm phần bắt buộc và tự chọn, thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn. Nếu làm cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần. Vậy thí sinh cần phải lưu ý lựa chọn thế nào để đạt hiệu quả. Ông Nghĩa lưu ý thí sinh cần cân nhắc lựa chọn làm phần nào trước, phần nào sau nhưng không nên mất quá nhiều thời gian cho việc cân nhắc này vì sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm bài. Ngoài ra, thí sinh không được làm cả hai phần tự chọn, nếu làm cả hai phần tự chọn là phạm quy, không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Đặc biệt về bài thi trắc nghiệm, trong phòng thi thí sinh phải chú ý hướng dẫn của giám thị, các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm ghi bằng bút mực; tô mã số báo danh, mã đề thi và trả lời câu hỏi thi bằng bút chì. Tô bút chì phải đậm và kín hết ô, không được tô hai phương án trả lời cho một câu hỏi. Khi thay đổi phương án trả lời phải tẩy sạch phương án cũ trước khi tô phương án mới.
Đề thi trắc nghiệm gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán tủ, học tủ. Kinh nghiệm khi làm bài là các thí sinh không nên dừng lại quá lâu trước một câu, nếu không làm được thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác, cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm mà mình đã bỏ qua để làm nốt.
Hiếu Dũng