Theo đó, Đại học quốc gia được thí điểm đào tạo các chương trình mới, các mô hình tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học mới chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan.
Đại học quốc gia có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các hoạt động về đào tạo; nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; tài chính và tài sản; hợp tác quốc tế; tổ chức bộ máy và nhân sự, được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cùng với đó, Đại học quốc gia có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các đề án, dự án quan trọng của Đại học quốc gia sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các quyết nghị của Hội đồng Đại học quốc gia về việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển của Đại học quốc gia và các nội dung khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ....
Về cơ cấu tổ chức, Đại học quốc gia, gồm có: Hội đồng Đại học quốc gia; Giám đốc, phó giám đốc; Văn phòng, ban chức năng; Trường đại học thành viên, viện nghiên cứu khoa học thành viên; Khoa, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ; Tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Nghị định này nếu có hiệu lực sẽ áp dụng đối với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý và hoạt động của ĐH quốc gia.
Theo vov.vn