Kiện toàn trường lớp
Năm học mới 2022 - 2023, ngành giáo dục nhiều địa phương xác định đây là năm học tiếp theo trong lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc kiện toàn cơ sở vật chất.
Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&Đ chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa, nâng cấp trường học, lớp học, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái cho biết: “Ngành giáo dục Yên Bái tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với từng bước đầu tư cơ sở vật chất, chỉnh trang, tạo cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Ngành cũng phải hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đảm bảo tiến độ, theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT".
Địa phương này đã bổ sung thêm một số phòng học như Thành phố Yên Bái đã xây dựng mới 40 phòng học, nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ khác, với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng để đảm bảo cho 22.900 học sinh bước vào năm học mới. Các nhà trường rà soát, lập danh sách và hoàn thành việc mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết từ đầu tháng 8/2022.
Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng thông tin, để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của tỉnh đã đạt 93,8%, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm học trước.
Theo Sở GD&ĐT Điện Biên, ngành đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh cân đối ngân sách và huy động xã hội hóa để xây mới gần 100 phòng học, 26 phòng làm việc, 26 phòng ở nội trú, các công trình nhà công vụ, bếp ăn, nước sạch, sân chơi… với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Tổng số phòng học phục vụ năm học mới là gần 7.500 phòng (trong đó tỷ lệ kiên cố là trên 72%), gần 1.300 phòng học bộ môn (tỷ lệ kiên cố là 80%). Địa phương này đã sẵn sàng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu đón học sinh trở lại trường.
Tình trạng thiếu trường, lớp không chỉ xảy ra ở những tỉnh miền núi mà ngay cả những vùng thuận lợi như Hà Nội cũng phải kiện toàn.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022, thành phố đã xây mới, thành lập mới 51 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa trên 600 trường với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, bố trí trên 1.460 tỷ đồng mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6.
Ngày 6/5/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn 20.913,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước thềm năm học mới, nhiều trường học tại Hà Nội đang quá tải, thậm chí có nơi, trẻ phải bốc thăm suất học ở trường công. Cụ thể, tại Phường Hoàng Liệt (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ có một trường mầm non công lập, chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, toàn quận tăng gần 4.000 học sinh ở khối trường công lập. Theo tính toán, ở khối mầm non sẽ phải có thêm ít nhất 3 trường nữa mới đủ chỗ học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trên là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng cũng như sau dịch COVID-19, nhiều nhóm lớp mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa.
Chuẩn bị đội ngũ, sách giáo khoa
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở cả ba cấp: Tiểu học (lớp 1, 2, 3), THCS (lớp 6, 7) và THPT (lớp 10). Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, chương trình giáo dục địa phương đã được các tỉnh đặc biệt quan tâm.
Bộ GD&ĐT lưu ý về việc đón học sinh đầu cấp và tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Theo đó, các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, tổ chức cho học sinh tìm hiểu truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường, giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp; tổ chức khai giảng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tổ chức đợt tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp dành cho cán bộ quản lý, giáo viên THPT trên toàn tỉnh 4 mô đun đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 4 mô đun, gồm: Hướng dẫn thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (6 nội dung); Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh (3 nội dung); Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực (4 nội dung); Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục (3 nội dung).
Còn Điện Biên đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới, cử hàng nghìn giáo viên các cấp bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới, tập huấn sách giáo khoa.
Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn cho giáo viên, ngành giáo dục Điện Biên còn có những điều chỉnh đối với chương trình môn học lịch sử, tổ hợp môn học tự chọn đối với lớp 10. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh hộ nghèo và cận nghèo với mục tiêu không để học sinh nào bị thiếu sách trước khi vào năm học mới.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của Sở GD&ĐT Điện Biên thì tình trạng thiếu giáo viên ở các môn như Tin học, tiếng Anh vẫn diễn ra như ở Mường Nhé thiếu 302 giáo viên theo định mức, trong đó giáo viên Tin học thiếu 20 người, giáo viên tiếng Anh thiếu 18 người. Huyện Nậm Pồ thiếu 228 biên chế trong đó thiếu 6 cán bộ quản lý, 150 giáo viên và 71 nhân viên.
Mặc dù đã có những cải thiện về trường, lớp và đội ngũ nhưng hai vấn đề nóng này một số địa phương vẫn chưa thể giải quyết ngay trước thềm năm học mới. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm học này ở nhiều nơi để đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018.