Cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý
kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK)
giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT -
SGK giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ý băn khoăn về tính
thiết thực của đề án và cho rằng còn nhiều điểm chưa sáng rõ.
Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
Theo
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Phạm Vũ Luận, Bộ sẽ xây
dựng, thực nghiệm chương trình (CT) giáo dục phổ thông bao gồm cả CT
chung cũng như các môn học. Về biên soạn SGK mới, thực hiện chủ trương
một CT, nhiều bộ SGK, trong đó chỉ có CT là mang tính pháp lý, còn SGK
là một tài liệu quan trọng cùng với các tài liệu khác để học sinh học
tập (hiện nay là cả CT và SGK đều mang tính pháp lý).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ảnh: NH |
Với
phương án cho SGK, có hai phương án được đưa ra. Phương án 1, Bộ GD -
ĐT sẽ tham gia biên soạn 1 bộ SGK, các tổ chức cá nhân khác cùng tham
gia biên soạn các bộ SGK khác, nhằm chủ động được về SGK. Còn phương án 2
là giao các tổ chức cá nhân biên soạn, Bộ GD - ĐT thẩm định lựa chọn
một bộ SGK tốt nhất.
Nhiều ý kiến e ngại rằng
phương án 1 có thể khiến các tổ chức, cá nhân không biên soạn SGK, vì
không muốn “đụng” với SGK của Bộ GD - ĐT. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm
Vũ Luận khẳng định: “Bộ không chủ trương có 1 bộ SGK duy nhất, mà hướng
tới có nhiều bộ SGK. Nếu Quốc hội đồng ý phương án này thì Bộ sẽ đẩy
mạnh tuyên truyền, làm rõ việc Bộ chủ trì biên soạn 1 bộ SGK là nhằm
tăng tính chủ động trong việc thực hiện CT - SGK mới. Việc Bộ làm 1 bộ
SGK không ảnh hưởng đến việc có nhiều bộ SGK; các bộ SGK khác nếu đáp
ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong trường học”.
Sau
khi Bộ GD - ĐT biên soạn bộ SGK sẽ tiến hành bán đấu giá bản quyền để
các nhà xuất bản thực hiện, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp
ngân sách Nhà nước. Tổng cộng kinh phí để triển khai đề án CT - SGK mới
là là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 504,4 tỷ đồng là ngân sách TƯ; 274,4 tỷ
đồng từ ngân sách địa phương. Nhưng con số này cũng có thể còn phát sinh
thêm.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong hai
phương án này, ý kiến của Chính phủ thiên nhiều về phương án 1: Bộ GD -
ĐT chủ động biên soạn 1 bộ SGK, đồng thời, tăng cường tuyên truyền để xã
hội có thêm lựa chọn đối với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Giải
thích việc lựa chọn SGK ra sao khi có nhiều bộ SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ
Luận cho biết, các nhà trường sẽ thảo luận để lựa chọn bộ SGK cho từng
môn học, trên cơ sở ý kiến của giáo viên, hội đồng chuyên môn, phụ
huynh. Việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo CT mới sẽ do Bộ GD
- ĐT ban hành, nhưng khuyến khích các địa phương có hướng dẫn phù hợp
với đặc điểm của địa phương.
Phải làm rõ nhiều điểm trước khi trình Quốc hội
Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đề án lần này có sự tách bạch giữa CT và
SGK, đây là điểm rất mới. Về biên soạn SGK, ban đầu Chính phủ chủ
trương 2 phương án, đã có nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, nhiều ý kiến
cho rằng nếu Bộ GD - ĐT không làm SGK thì thiếu tính chủ động, nếu đến
thời điểm triển khai có thể không có bộ SGK đạt chuẩn. Vì vậy, đa số ý
kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội phương án là Bộ GD - ĐT cùng tham
gia biên soạn SGK.
Về kinh phí, việc kiên cố
hóa trường lớp học, đào tạo đội ngũ thì dù không có đề án đổi mới CT -
SGK vẫn phải làm, với kinh phí rất lớn, vì thế, cần tách ra khỏi đề án
CT - SGK phổ thông. Đây là 3 trong 18 đề án về giáo dục mà Chính phủ sẽ
phê duyệt. Việc đấu giá bản quyền SGK do Bộ GD - ĐT làm hay không sẽ còn
tính tiếp, vì thế không nên ấn định là đấu giá mà nên để ngỏ, vì có thể
cho không bản quyền để nhà xuất bản làm, nếu có đấu giá thì lại tính
vào tiền sách của học sinh. Làm CT - SGK có tiếp thu kinh nghiệm thế
giới, nhưng không phải là đi nhặt nhạnh hết, mà phải chú trọng việc sẽ
xây dựng con người Việt Nam như thế nào.
Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, sau nhiều lần xem xét, đến
nay, Đề án đổi mới CT - SGK đã cơ bản ổn, nhưng vẫn phải tính toán thêm.
Đây là vấn đề hệ trọng nên phải rất rõ về mọi vấn đề, nhất là quan
điểm, mục tiêu của CT - SGK. Phải tính toán kỹ càng để bảo đảm tính khả
thi, nghị quyết ra phải làm được. Yêu cầu đưa ra là đổi mới căn bản,
toàn diện nhưng trong đề án chưa thấy tính căn bản, toàn diện giữa các
môn, giữa nhà trường - xã hội - gia đình… Một nỗi lo nữa là điều kiện
các nơi còn khác nhau, trình độ thầy, trò, cơ sở vật chất khác nhau vậy
thì nên thống nhất CT thế nào? Đồng ý là có vận dụng ở từng địa phương,
có nhiều khái niệm mới (CT, SGK, tài liệu giáo dục)... nhưng sau này thi
cử có bảo đảm thống nhất không?, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
nhấn mạnh.
Cho rằng Bộ GD - ĐT không thêm
giam gia vào soạn thảo SGK mà chỉ nên thẩm định, đại biểu Nguyễn Hạnh
Phúc băn khoăn, vì nếu Bộ GD - ĐT vừa tham gia biên soạn bộ SGK, vừa
thẩm định thì liệu có khách quan hay không? Do đó, đại biểu Nguyễn Hạnh
Phúc đề xuất: “Đề nghị Bộ GD - ĐT không soạn thảo SGK, chỉ nên thẩm định
và chọn ra 1 bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách
tham khảo. Nhiều bộ thì rất dễ giáo viên học sinh phải mua nhiều, tham
khảo nhiều, con nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà mua nhiều. Các nước đã vận
dụng cách này nhiều rồi, Việt Nam đi sau thì nên học tập. Làm như vậy
thì sẽ có một bộ SGK chuẩn, khách quan, cũng giảm được chi phí. Theo đó,
bộ SGK nào được chọn thì mới được cấp kinh phí. Vì vậy, đề nghị trình
cả 2 phương án biên soạn SGK ra Quốc hội”.
Lê Vân