Với thành tích 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, đoàn dự thi Olympic Tin học quốc tế đã khép lại một mùa Olympic thành công của học sinh Việt Nam.
Chia sẻ về kết quả của đoàn Việt Nam tại Olympic Tin học quốc tế 2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Trưởng đoàn cho biết: So với những năm trước, kết quả năm nay của các thí sinh khá tốt. Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2019 được tổ chức với 87 nước và vùng lãnh thổ tham gia, gồm 327 thí sinh dự thi. Với tỷ lệ đạt huy chương 100%, Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 4 cùng với Hàn Quốc, xếp sau các nước: Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Môn Tin học đòi hỏi luôn phải cập nhật những kiến thức công nghệ mới. Trong thời gian 5 tiếng làm bài thi trên máy tính, các thí sinh có sự cạnh tranh quyết liệt để giành điểm số. Thí sinh của nhiều quốc gia đã có sự bứt phá ở những giây cuối cùng để đạt điểm số cao, vươn lên giành huy chương vàng.
Với đoàn Việt Nam, các thí sinh đã nỗ lực hết mình và xuất sắc giành được 2 huy chương vàng là em Trịnh Hữu Gia Phúc, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và em Bùi Hồng Đức, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Em Vũ Hoàng Kiên giành huy chương bạc và em Nguyễn Minh Tùng giành huy chương đồng, đều là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đáng lưu ý, trong số 4 thí sinh dự thi, có 2 em là học sinh lớp 11.
Chúc mừng Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Tin học quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Đây là thành tích rất đáng ghi nhận và trân trọng. Kết quả này là bước đệm và nền tảng tốt cho tương lai sau này của các em.
Thứ trưởng chia sẻ: Trong mùa Olympic khu vực và quốc tế năm 2019, Việt Nam có / thí sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 9 huy chương vàng, 19 huy chương bạc, 9 huy chương đồng và 1 bằng khen. Kết quả này tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục và vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Ngoài ra, kết quả này cũng khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, nỗ lực cố gắng của các nhà trường, học sinh, thầy cô giáo tham gia công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh: Mùa Olympic quốc tế năm nay, Việt Nam có 3 kết quả được coi là dấu ấn. Thứ nhất, đoàn Olympic Vật lý quốc tế có nữ sinh đạt huy chương vàng, đồng thời được giải học sinh nữ xuất sắc nhất cuộc thi. Ấn tượng thứ hai là học sinh Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối (40/40) trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế.
Nam sinh này đồng thời đoạt huy chương vàng, xếp thứ 4 trên tổng số 300 thí sinh của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi. Dấu ấn thứ ba là lần đầu tiên có học sinh của một tỉnh miền núi phía Bắc - tỉnh Yên Bái đã đạt huy chương bạc trong kỳ Olympic Hóa học quốc tế. Điều này cho thấy, phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi đã được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Có thể nói, những năm gần đây, công tác tuyển chọn học sinh giỏi tham gia các đoàn dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã chọn được nhiều học sinh xuất sắc, không chỉ ở những tỉnh, thành truyền thống (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An) mà mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước; hàng năm có từ 15-17 tỉnh, thành có học sinh tham gia đội tuyển quốc tế.
Điều này cũng khẳng định, Đề án 959 của Chính phủ về Phát triển hệ thống trường chuyên đã được các tỉnh chú trọng đầu tư, xây dựng. Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương với những học sinh xuất sắc nói riêng và học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế nói chung đã tạo ra động lực, là cú hích để các học sinh khác noi theo. Từ đó tạo phong trào học sinh giỏi, phát triển giáo dục cho địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tiếp tục thực hiện theo Đề án 959 về đẩy mạnh phát triển trường chuyên, xây dựng các mô hình trường học chất lượng cao, các phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nền tảng giáo dục chất lượng cao; qua đó phát hiện và bồi dưỡng thêm học sinh xuất sắc, có năng khiếu để dự thi Olympic khu vực, quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới một nền giáo dục chất lượng cao cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.