Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng với nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, từ định danh và chuẩn nhà giáo đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo, nổi bật là chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng và tôn vinh nhà giáo... Trong đó, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo ở đơn vị công lập và ngoài công lập. Đặc biệt, bên cạnh lương, nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo và nhà nước cũng khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Nhiều ý kiến kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy phát triển đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo cống hiến và gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi rất lâu. Dự thảo luật lần này đã định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các loại hình cơ sở giáo dục khác nhau. Việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định đầy đủ, hệ thống, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Điều này vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ, tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập. Dự thảo Luật có nêu quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những hành vị bị nghiêm cấm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhà giáo cùng với các quy đinh về xử lý vi phạm với các hành vi bị nghiêm cấm. Điều này vừa tạo quy định pháp lý đầy đủ để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp vừa bảo vệ nhà giáo.
Tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là một trong những nội dung lớn trong dự thảo luật này. Trong đó, cùng với quy định về điều động, thuyên chuyển và biệt phái nhà giáo hay nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục, quy định về phân cấp tuyển dụng cũng được đề cập.
Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) là một đơn vị được phân cấp tuyển dụng viên chức. Ông Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc được phân cấp tuyển dụng giáo viên giúp chủ động tuyển chọn được ứng viên phù hợp với văn hóa và mục tiêu phát triển của nhà trường; chủ động giải quyết kịp thời tình trạng thừa – thiếu nhân sự và cân đối ngân sách. Hơn nữa, việc phân cấp tuyển dụng này còn mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho các ứng viên khi họ có thể đăng ký tuyển dụng ở nhiều đơn vị. Công tác tuyển dụng được công khai, minh bạch, có sự tham gia, giám sát chặt chẽ của tổ chức chính trị-xã hội trong nhà trường. Việc phân cấp tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của ngành. Từ thực tiễn, Trường kiến nghị bổ sung vào điều 21 về “Thẩm quyền và phương thức tuyển dụng” trong dự thảo Luật Nhà giáo các nội dung về tự chủ trong quản lý nhân sự tại đơn vị và phân quyền tự chủ tuyển dụng viên chức đối với đơn vị công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ở góc độ đơn vị giáo dục ngoài công lập, ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm cho biết, hiện tiền lương của cán bộ, giáo viên, nhân viên trường thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, phù hợp Bộ luật Lao động. Vì thế, chính sách tiền lương và đãi ngộ của nhà giáo đối với đơn vị ngoài công lập thời gian tới vẫn nên để thị trường lao động quyết định. Khi đó, trường ngoài công lập bắt buộc phải có chính sách tiền lương lương tương xứng với mặt bằng thu nhập của xã hội để thu hút người lao động.
Chứng chỉ hành nghề với nhà giáo là một quy định mới được đề cập đến trong dự thảo Luật Nhà giáo và có khá nhiều ý kiến trái chiều về quy định này. Nhiều ý kiến đồng tình việc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề, điều này giúp chuẩn hóa đội ngũ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Khi có chứng chỉ hành nghề, dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm thủ tục khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục… Tuy nhiên, có cũng ý kiến băn khoăn về tính cần thiết của chứng chỉ hành nghề với nhà giáo và nếu nhất thiết phải có thì cần xem xét thủ tục cấp chứng chỉ, tránh phát sinh rắc rối, gây khó khăn cho nhà giáo.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả công lập và ngoài công lập. Cùng với đó là đội ngũ hơn 900.000 nhà giáo đã nghỉ hưu vẫn đóng góp cho giáo dục; gần 115.000 sinh viên sư phạm. Biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Là lực lượng có vai trò then chốt trong sự nghiệp giáo dục, tuy nhiên cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông vẫn mất cân đối, chất lượng giáo viên cũng chưa đồng đều. Chế độ chính sách với nhà giáo chưa tương xứng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên ở nhiều địa phương, ngành Sư phạm thì khó thu hút được người giỏi vào học… Mặt khác, các quy định quản lý, phát triển đội ngũ về nhà giáo dù tương đối đầy đủ nhưng chưa bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp.