Tại hội nghị, các nước thành viên G20 cùng các nước khách mời và đại diện các tổ chức quốc tế đã công bố Báo cáo kèm theo bản tóm tắt các văn kiện của Nhóm công tác giáo dục G20, trong đó trình bày các thách thức, chiến lược, cũng như những thực tiễn tốt nhất từ 26 quốc gia, với hơn 150 chương trình giáo dục ưu tiên.
Bộ trưởng Nadiem đánh giá rằng 2 văn kiện trên là những tài liệu rất quan trọng trong nỗ lực đẩy nhanh phục hồi, củng cố và chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu. Hai tài liệu này cũng trình bày những thực tiễn tốt nhất, những mục tiêu cần đạt được và ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Stefania Giannini nhấn mạnh: “Chúng ta đã làm việc cùng nhau theo đúng tinh thần ‘Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau)’ và đây là cách thức duy nhất để làm việc trong một thế giới đang đối mặt với những thách thức chung đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác khẩn cấp để cùng nhau tái hoạch định tương lai. Đây cũng là vai trò và trách nhiệm của G20 với tư cách là các quốc gia hàng đầu và tác nhân của sự thay đổi”.
Theo ông Nadiem, 2 tài liệu trên là kết quả đồng thuận của G20, thể hiện cam kết vững chắc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Các tài liệu này có thể hỗ trợ các quốc gia khác thiết kế và thực hiện các chính sách giáo dục mạnh mẽ và linh hoạt hơn nhằm giải quyết tình trạng thất học do đại dịch gây ra, hướng tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục phổ thông chất lượng vào năm 2030.
Các nước thành viên G20 cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy chia sẻ tri thức nhằm giải quyết các thách thức đa dạng trong lĩnh vực giáo dục, phù hợp với 4 vấn đề ưu tiên của EdWG G20 năm 2022, gồm giáo dục phổ thông chất lượng, công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục, đoàn kết và quan hệ đối tác, và tương lai của thị trường việc làm hậu COVID-19.
Bộ trưởng Nadiem khẳng định rằng các tài liệu này cũng nêu bật vai trò quan trọng của các cam kết toàn cầu trong việc chuyển đổi giáo dục phù hợp với các cam kết của Liên hợp quốc về tích hợp các phương pháp tiếp cận, tài nguyên học tập và các phương pháp khác trong các chính sách và thực tiễn giáo dục.
Cũng theo ông Nadiem, các nước thành viên G20 cam kết thúc đẩy học tập suốt đời và việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp cho tất cả học sinh, qua đó tạo điều kiện cho tất cả mọi người vươn lên trong cuộc sống và công việc, đồng thời góp phần tạo ra một xã hội bình đẳng, hòa nhập và bền vững hơn.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nadiem nhấn mạnh rằng G20 sẽ cùng nhau đạt được các mục tiêu nâng cao này bằng cách đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục chất lượng, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh cải cách giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý trường học, trao quyền cho giáo viên và học sinh.