Ở một số địa phương, ngành Giáo dục chủ động bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên cấp, liên trường, thậm chí còn để các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên hợp đồng về giảng dạy tùy theo quỹ lương được cấp. Tuy nhiên, tất cả giải pháp đó đều mang tính tình thế, trước mắt, không phải là giải pháp lâu dài, triệt để.
Những giải pháp tạm thời
Để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lên phương án hợp đồng hơn 600 giáo viên phục vụ nhu cầu dạy và học của tỉnh. Phương án này được tỉnh đưa ra dựa trên Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong số hơn 600 giáo viên hợp đồng, có 149 trường hợp thuộc Sở, số còn lại thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giao cơ chế tuyển dụng cho các trường học trên địa bàn. Thầy Trần Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết, nhà trường chủ động tìm và hợp đồng với 6 giáo viên. Qua đó, tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên năm học 2023 - 2024.
Tại Gia Lai, để ứng phó tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng cho gần 1.300 giáo viên dạy các môn tích hợp (Lý - Hóa - Sinh, Sử - Địa ở cấp Trung học Cơ sở, Tin học - Công nghệ ở cấp Tiểu học). Việc này mang đến kỳ vọng sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên thời gian tới, đáp ứng trình độ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, địa phương có 51 trường học, với gần 22.600 học sinh nhưng chỉ có 1.533 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho hay, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, địa phương đã sáp nhập điểm trường nhỏ, lẻ nhằm tiết kiệm biên chế và bố trí giáo viên giảng dạy. Hiện nay, nguồn để tuyển hợp đồng giáo viên Tiếng Anh và Tin học, Tiểu học rất khó khăn. Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện điều tiết dạy liên trường, khắc phục tình trạng giáo viên Tiếng Anh và Tin học còn thiếu, đảm bảo cho các học sinh đều được học.
Tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tự Do, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, biện pháp trước mắt, Phòng tăng cường điều động luân chuyển, dạy liên trường liên cấp đối với các trường còn thiếu. Hiện các trường chủ động hợp đồng giáo viên theo nguồn ngân sách đã giao. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ thống kê số giáo viên thiếu bổ sung. Trong năm 2023, huyện có chỉ đạo tổ chức thi tuyển giáo viên đảm bảo số biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cần xử lý triệt để, lâu dài
Dù đã có không ít giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đưa ra, song phải thừa nhận rằng, đó vẫn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Bởi nếu sắp xếp, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp không khéo léo dễ dẫn đến việc giáo viên bị ảnh hưởng về chuyên môn và cuộc sống; còn tuyển dụng giáo viên hợp đồng khó có được sự phục vụ tận tình cho nghề giáo.
Hiện nay, ở nhiều địa phương khắc phục bằng việc hợp đồng thêm giáo viên về giảng dạy. Tuy nhiên, nếu đội ngũ giáo viên họ được hợp đồng để dạy trong các cơ sở giáo dục với thời gian quá ngắn, việc đầu tư cho chuyên môn sẽ có hạn chế. Giáo viên họ dạy bám theo chương trình, tình hình học sinh, việc đầu tư cho chuyên môn sẽ chất lượng hơn. Ngoài ra, khi giáo viên dạy hợp đồng sẽ thiếu sự gắn bó, đầu tư về chuyên môn cho cá nhân để đảm bảo việc dạy học, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Theo ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu hụt giáo viên còn gay gắt hơn trong các năm học tới nếu Bộ Giáo dục và Đạo tạo, cấp có thẩm quyền không có giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho rằng, đang có khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tại địa bàn.
Trước kia mỗi tỉnh có một trường Cao đẳng đào tạo mà vẫn còn thiếu, nay không còn nữa chắc chắn sẽ thiếu hơn, thậm chí 3 - 4 năm nữa thiếu trầm trọng, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định.
Thực tế, khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua, ngành Giáo dục tại các vùng khó khăn như Tây Nguyên "vấp phải" một thách thức lớn trong việc tuyển dụng giáo viên. Bởi vốn dĩ, nghề giáo đang được rất ít sinh viên ra trường chọn, dù đã học sư phạm, vì lý do thu nhập thấp.
Cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn với giáo viên tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Giải pháp trước mắt linh động hơn trong việc thực hiện Luật Giáo dục 2019 khi tuyển dụng, có thể vẫn cho tuyển những giáo viên có trình độ Cao đẳng, Trung cấp nhưng buộc phải cam kết vừa dạy học, vừa tiếp tục học lên bậc cao hơn, đảm bảo theo Luật.Có như vậy, những vùng khó khăn mới thu hút được giáo viên về dạy học", bà Y Nhàn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nói.
Liên quan đến giải pháp mang tính lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số cơ quan chức năng về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, theo báo cáo, để đảm bảo nhu cầu dạy và học tại địa phương cũng như đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn tỉnh cần bổ sung hơn 1.000 biên chế cho ngành Giáo dục.
Trong bối cảnh nghề giáo không còn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên sau khi ra trường, chính sách, cơ chế cần "linh động, mềm mỏng", sát thực tế hơn, nhất là đối với các tỉnh Tây Nguyên. Trước mắt không áp dụng quy định giảm 10% biên chế ngành giáo dục để thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không thể tuyển dụng được, giáo dục 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, cơ hội phát triển cũng vì thế giảm sút, khoảng cách với các vùng khác càng xa hơn…