Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao kết quả thực hiện Quyết định 1501 và nhấn mạnh, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là việc hệ trọng, lâu dài. Đây là một nội dung quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo mà toàn ngành đang triển khai.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng nhằm tạo dựng cho các thế hệ trẻ có ý chí, khát vọng, có trách nhiệm đối với dân tộc và nhân loại. Công tác giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, không riêng ngành giáo dục. Vì vậy, cần tăng cường kết nối giữa các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương để làm công việc này được tốt hơn.
Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có vai trò phối hợp quan trọng của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp; sự vào cuộc tích cực các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, tạo hiệu quả rõ rệt. Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình giáo dục hiện hành.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội được tăng cường. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên đã đạt kết quả bước đầu. Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên sống đẹp, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là mức độ quan tâm, đầu tư, triển khai của một số bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục đạo đức, lối sống; hoạt động giáo dục, vận động, thi đua; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính áp đặt, hình thức, chưa đảm bảo yêu cầu. Việc tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh, sinh viên trên môi trường mạng chưa được triển khai, gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính… Trong khi đó, những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Từ các ý kiến trao đổi, tham luận tại hội nghị về thực trạng, hạn chế, kết quả, nguyên nhân và bài hoc kinh nghiệm trong quá trình triển khai Đề án 1501, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất về một số nội dung sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn tới.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án“Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Trong việc dạy người, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đặc biệt chỉ đạo, chú ý phát triển nhân cách, tạo dựng những con người có chí hướng, hoài bão, từ đó hình thành một thế hệ trẻ giàu niềm tin, khát vọng và trách nhiệm với đất nước. Mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên học tập, noi theo. Các trường sư phạm sẽ phải tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo gắn với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm.
Về phía địa phương, người đứng đầu các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, đảm bảo các nguồn lực thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Bằng khen cho 48 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 1501.