Giáo viên tiểu học nặng gánh... sổ sách

Hàng ngày, giáo viên tiểu học phải đối mặt với hàng chục loại sổ sách với yêu cầu nhận xét “thật chi tiết”. Khi Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực, thì gánh nặng sổ sách lại càng nặng nề thêm.

Chồng chéo nội dung


Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học được áp dụng từ ngày 15/10/2014. Lúc này, giáo viên có thêm các cuốn sổ theo dõi mới bên cạnh hàng chục loại sổ sách mà hầu như giáo viên nào cũng phải hoàn thành như giáo án, sổ chủ nhiệm, sổ ghi kế hoạch giảng dạy, học bạ, sổ liên lạc, họp chuyên môn, sổ dự giờ,…

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên tiểu học, thì khi triển khai Thông tư 30 đang có những loại sổ sách chồng chéo nhau về mặt nội dung. Sĩ số lớp học quá đông so với chuẩn bậc tiểu học khiến giáo viên cảm thấy... “ngộp thở” trong đống sổ sách.

Tại một diễn đàn giáo dục tiểu học, một giáo viên trẻ chia sẻ rằng: Lớp cô chủ nhiệm có 50 học sinh. Chờ học sinh ngủ trưa cô ngồi trước chồng vở mà… “ngán ngẩm”. Theo giáo viên này, bởi lượng công việc là quá nhiều nên hầu như trưa nào chị cũng phải thức. “Chỉ chờ ăn xong là lao đầu tranh thủ nhận xét được tí nào hay tí ấy.

Giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để ghi nhận xét cho học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Với những bài dài và khó như chính tả, hay tập làm văn thì hầu như phải ngồi đến khi học sinh dậy mới rời việc ghi chép. Thậm chí, có những hôm còn ngủ gật ngay trên chồng vở đang chấm. Đó là chưa kể làm học bạ thì còn phải mang về nhà làm vào buổi tối nữa mới kịp”, giáo viên này cho biết.

Còn thầy giáo H.A chia sẻ: “Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc, học bạ có nội dung gần giống nhau và gần như là được chép lại tới 3 lần. Sổ liên lạc chính là bản sao thu nhỏ của học bạ nên giáo viên viết hai lần cùng 1 nội dung gần như 100%, rất mất thời gian. Mong sao cấp trên nghiên cứu, xem xét tránh quá tải cho giáo viên, bởi ngoài sổ sách, thì việc chấm và nhận xét vở của học sinh thường ngày cũng đã ngốn một thời gian không nhỏ của chúng tôi”.

Bên cạnh những sổ sách “đeo bám” hàng ngày với nội dung trùng nhau mà giáo viên phải hoàn thành thì có những dạng sổ sách cũng khiến họ mất thời gian mà… không hiệu quả. Một giáo viên khẳng định: “Sổ dự giờ quả thật là hình thức. Thế mới có chuyện thầy giáo đi dự giờ đúng mùng 1 Tết Âm lịch”. Một số giáo viên cho biết, họ phải bịa ra ngày dự giờ để ghi trong sổ nhưng bịa… nhầm ngày (ghi vào ngày nghỉ, ngày lễ)”. 

Giáo viên chờ giảm tải

Trong thời gian qua, Bộ GD - ĐT cùng các sở GD - ĐT đã có nhiều buổi tập huấn cho giáo viên cũng như kiểm tra việc dạy và học theo Thông tư 30. Lãnh đạo ngành đã nêu rõ quan điểm: Khi học sinh làm bài tốt rồi thì giáo viên chỉ cần nhận xét bằng lời nói trực tiếp, không cần ghi vào sổ, khi học sinh làm sai cần chữa chi tiết, hướng dẫn cụ thể thì mới ghi vào vở, không phải bài nào cũng bắt giáo viên viết nhận xét.

Mặc dù có chỉ đạo này, nhưng một số giáo viên cho biết, họ vẫn phải hoàn thành “thật chi tiết” khi ghi sổ. “Nếu không ghi chi tiết, những đợt kiểm tra lại thấy thiếu và ghi hời hợt, giáo viên lại mất điểm thi đua. Tôi cho rằng đây là điều không chỉ mình tôi mà nhiều giáo viên phải chịu đựng khi mỗi ngày đối mặt với hàng chục loại sổ sách yêu cầu chép tay”, một giáo viên nói.

Trong đợt kiểm tra 3 trường tiểu học tại Hà Nội từ đầu tháng 1/2015 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định nhận định: Bộ GD - ĐT đã có hướng dẫn khá chi tiết nhưng thầy cô vẫn chưa nắm vững hết tinh thần. Thầy cô cố gắng ghi nhận xét chi tiết vào vở học sinh để bản thân các em cũng như phụ huynh có thể biết được việc học hành ở lớp.

Đối với sổ theo dõi chất lượng thì chỉ dành cho giáo viên, nên có thể linh động ghi theo cách để bản thân mình hiểu. Chỉ những em nào chưa hoàn thành hoặc có những nét nổi trội thì mới cần ghi để nắm bắt tình hình, có phương hướng giúp đỡ hoặc bồi dưỡng các em.

Bộ GD - ĐT đã quy định rõ về những sổ sách được sử dụng trong trường học ngay từ đầu năm 2014. Cụ thể, theo Công văn ngày 7/1/2014 quy định: Các nhà trường không sử dụng những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của Điều lệ hoặc Quy chế do Bộ GD - ĐT ban hành; có thể sử dụng kết hợp để giảm số lượng các loại hồ sơ, sổ sách ở mỗi trường.

Không được yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài các loại sau: Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy, có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn; Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Đến nay, có nhiều kiến nghị về việc lược bỏ bớt những sổ sách trùng nội dung hoặc dùng “sổ điện tử” để giảm tải cho giáo viên. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn “tiếp tục lắng nghe dư luận”. Như vậy, trong khi chờ những điều chỉnh từ Bộ, giáo viên vẫn phải cần mẫn hoàn thành trách nhiệm công việc của mình.


Lê Vân

Đánh giá học sinh cần phối hợp gia đình và nhà trường
Đánh giá học sinh cần phối hợp gia đình và nhà trường

Nhiều giáo viên cho biết khó khăn gặp phải trong quá trình đánh giá là phải suy nghĩ và lựa chọn những từ ngữ nhận xét thích hợp với năng lực học tập của mỗi học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN