Thế nhưng, khi nói về bản thân mình, cô Trần Thị Quỳnh Anh tự nhận “mình còn giới hạn, không giỏi bằng học sinh. Điều quan trọng nhất là đừng biến giới hạn của cô thành giới hạn của trò”. Với những thành tích đạt được, tháng 11/2020, cô giáo Quỳnh Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh là giáo viên tiêu biểu toàn quốc.
Không biến giới hạn của cô thành giới hạn của trò
Cô Trần Thị Quỳnh Anh đến với ngành Sư phạm bởi tác động của thầy cô, gia đình hơn là xuất phát từ sở thích, đam mê cá nhân. Trong suốt 4 năm đại học, cô nỗ lực, cố gắng và tốt nghiệp loại xuất sắc, vị trí Á khoa toàn khóa học. Tuy nhiên, Quỳnh Anh vẫn chưa thấy mình có sự gắn bó tha thiết nào với nghề. Sau khi ra trường, cô về thành phố Vinh và viết đơn nộp về cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. May mắn, cô đã được phân về Trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu.
Dù tự tin với kiến thức và nhiệt tình của tuổi trẻ, nhưng thời gian đầu dạy học tại ngôi trường chuyên nổi tiếng của xứ Nghệ, Quỳnh Anh gặp không ít khó khăn, vất vả. Đặc biệt, học sinh rất thông minh, cá tính. Cô cũng bất ngờ khi thấy có cả tình huống các em yêu cầu đổi giáo viên dù không rơi vào bản thân mình...
Nhưng cứ tận tâm với học trò, những lo lắng của cô cũng qua đi và cảm xúc của nghề giáo đầy lên. Đó là khóa học sinh khóa 36 lớp chuyên Toán, dù nghịch ngợm nhưng đoàn kết, vừa học vừa rất quan tâm, lo lắng cho cô chủ nhiệm. Đó là lời nhắn ghi vào giấy của một học sinh giấu tên nói rất yêu những tiết Hóa học của cô. Hay mới đây nhất, khi cùng em Phạm Trung Quốc Anh chuẩn bị cho Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, cô đã bật khóc cảm ơn học trò. Bởi trong thời gian chuẩn bị thi, có những lúc, chính cô đã nản lòng, hoang mang vì kỳ thi có nguy cơ bị hủy bởi dịch COVID-19. Với cô, nếu không bồi dưỡng lứa học sinh này, sẽ có khóa khác. Nhưng với học sinh, các em chỉ có duy nhất một Kỳ thi Oympic quốc tế trong cuộc đời mình và đã phải đánh đổi bằng nhiều năm tháng “vùi đầu” học. Cô đã từng khuyên Phạm Trung Quốc Anh chuyển sang học ngoại ngữ để lo cho tương lai, tìm kiếm cơ hội học bổng khác. Nhưng em lại là người động viên ngược trở lại cô, rằng cánh cửa này khép vào, cánh cửa khác sẽ mở ra.
Từng điều nhỏ ấy, đã gom góp trong chặng đường dạy – học, khiến cô Quỳnh Anh nhận ra, giá trị của nghề giáo nằm ở những điều rất khác. Không phải là thu nhập kinh tế, hay địa vị trong xã hội, mà ở sự trưởng thành của học trò, ở tình cảm cô trò.
Nói về công tác bồi dưỡng Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cô Quỳnh Anh cho rằng, với môn Hóa học luôn mới, nếu mình không thường xuyên tìm hiểu, cập nhật kiến thức, không thể kịp để dạy cho học sinh. Thậm chí có những tài liệu, công trình nghiên cứu Hóa học quá mới và khó, chính cô cũng chưa hiểu hết nhưng học sinh lại có thể hiểu.
“Khi mới ra ngành, tôi nghĩ rằng giáo viên phải biết hết để dạy cho học sinh. Nhưng đến khóa thứ 2 bồi dưỡng đội tuyển, tôi biết mình không thông minh bằng các em được. Trước đây, việc thừa nhận không giỏi bằng học sinh là điều gì đó rất nặng nề, nhưng tôi cho đó là điều bình thường. Đó là giới hạn của cô và mình công nhận điều đó. Nhưng đừng biến giới hạn của cô thành giới hạn của trò”, cô Quỳnh Anh chia sẻ.
Giữ yêu thương, trách nhiệm với từng khóa học sinh
Năm học 2020 - 2021, cô Trần Thị Quỳnh Anh lại nhận một lứa học trò mới và sẽ theo các em cho đến hết lớp 12. Cô đã dành một buổi để các em viết “name card” – chọn ra 3 tính từ nói về bản thân luôn giữ nguyên dù sau này cuộc sống có thay đổi thế nào và mục tiêu trong 3 năm Trung học Phổ thông. “Bạn nào cũng muốn sẽ có 3 năm thanh xuân tươi đẹp nhất. Cũng có nhiều em tỏ quyết tâm, khao khát lọt vào Đội tuyển quốc gia, quốc tế. Đó là điều rất đáng khích lệ. Tôi muốn các em nói ra mục tiêu của mình để phấn đấu đạt được nó. Nhưng đồng thời cũng nói với các em về thất bại và thành công sau thất bại”, cô Quỳnh Anh cho biết.
Bởi là học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, các em đã chịu áp lực và kỳ vọng rất lớn để vào Đội tuyển quốc gia. Thực tế, không ít học sinh sau khi bị loại khỏi đội tuyển, mất mục tiêu phấn đấu và rơi vào trạng thái buồn bã. Vì vậy, qua những phân tích này, cô mong các em, thành công có thể đến sau hàng nghìn thất bại... Bản thân vẫn phải giữ những phẩm chất, cố gắng, quyết tâm, bởi bất cứ sự cố gắng nào cũng được đền đáp xứng đáng.
Cô giáo Quỳnh Anh tâm sự: “Trong thời gian dạy học của mình, thấy thương học sinh nhất là lúc ôn thi. Có những khi, nhìn 10 cái đầu trong Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đang chụm lại miệt mài làm bài tập rất khó và ngoài sân là những em chỉ đặt mục tiêu đại học đang vui chơi thể thao, như hai bức tranh đối lập. Các em đã phải đánh đổi rất nhiều về thời gian, những khoảnh khắc, cuộc vui với bạn bè.
Chia sẻ về vấn đề học sinh trường chuyên có nhất thiết thi quốc gia, quốc tế như luyện “gà nòi”, cô Quỳnh Anh cho rằng, nhiều em rất thông minh. Nếu chỉ ở tầm thi đại học, không thể phân loại được học sinh nên phải có các cuộc thi, sân chơi trí tuệ ở quy mô lớn. Hơn nữa, đoạt giải quốc gia, Olympic quốc tế cũng là một bước đệm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tuyển thẳng vào đại học hoặc giành học bổng du học và kể cả trong ứng tuyển việc làm sau này.
Theo cô Quỳnh Anh: “Học chuyên là chương trình tiên tiến chứ không phải là những kiến thức xa rời. Một số em sau khi du học nói với cô kiến thức đang học ở đại học đã được thầy cô dạy trong thời gian ôn đội tuyển. Nhưng điều quan trọng nhất, học sinh đội tuyển được chuẩn bị kỹ năng tự đọc, tự học rất tốt. Kể cả khi thầy cô tung tài liệu mà không dạy, học sinh có thể tự học được. Đó là nền tảng để các em đi xa dù ở môi trường nào”.
Thành công của cô Quỳnh Anh luôn gắn với người chồng và cũng là đồng nghiệp - thầy Nguyễn Tường Lân. Cả hai thầy cô cùng dạy Hóa học, nên duyên từ Trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu.
Khi cho học sinh khóa mới viết “name card”, cô Trần Thị Quỳnh Anh cũng tự chọn 3 tính từ nói về bản thân mình. Ngoài tính từ đầu tiên là “xinh đẹp” để tạo không khí thoải mái, đùa vui với học trò, hai tính từ còn lại là “yêu thương – trách nhiệm”. Đó là những điều cô không bao giờ thay đổi và dành cho mỗi thế hệ học trò.