Giúp học sinh “chơi” với môn toán

Việc dạy và học toán trong trường phổ thông vẫn còn nặng truyền thụ kiến thức, ít phát triển tư duy cho học sinh và chưa quan tâm đến học sinh. Đây là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo nhân ngày hội Toán học mở “Bản giao hưởng số pi” do Viện nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức ngày 21/8, ở Hà Nội.

Khô khan, xa rời thực tiễn

Trong khuôn khổ ngày hội toán học này, hội thảo “Mấy góc nhìn về giáo dục Toán học ở Việt Nam” đã thu hút được nhiều người tham gia. Với các diễn giả là những nhà khoa học, người dạy và làm toán trong trường đại học đã thu hút được nhiều sự tương tác của khán giả.

Nhiều học sinh thích thú trải nghiệm tại Ngày hội toán học mở. Ảnh: LV

TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, cách dạy toán ở phổ thông hiện nay vẫn theo lối dạy đóng khung. Càng lên cấp trên, toán học càng khô khan, xa rời thực tiễn. Với lối dạy học dàn hàng ngang và cào bằng chứ không quan tâm đến đối tượng học sinh.

Theo đánh giá của TS Chu Cẩm Thơ, khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, việc dạy và học toán ở bậc phổ thông Việt Nam mới chỉ dừng lại coi môn toán là môn học chính để đi thi. Đối với bậc tiểu học, những trẻ nhẩm tính tốt được đánh giá là giỏi toán. Dạy và học toán đang thực hiện theo cách là luyện tập rất nhiều, làm tính và trình bày theo mẫu của cô giáo. Một bài toán được trình bày theo mẫu của cô giáo đúng từ dấu chấm, dấu phẩy. Giáo viên ở bậc học này đang tuyệt đối hóa việc học toán của trẻ con. Bất cứ cái gì cũng có thể đem ra thi nhưng nội dung thi chủ yếu là tính toán, suy luận là chính.

“Thiếu nhiều nhất ở trường học ở Việt Nam là thiếu đồ chơi toán, thiếu niềm vui thích khi tiếp cận môn toán và thiếu cha mẹ đồng hành khi tiếp cận với môn toán”, TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế môn toán trong trường phổ thông vẫn còn nhiều lạc hậu có nguyên nhân một phần là sách giáo khoa còn nặng. Nhưng phản biện lại ý kiến này, TS Trần Nam Dũng khẳng định, những tưởng toán học phải giảm tải nên người ta cắt một số chỗ trong chương trình học. Nhưng nếu cắt bỏ chương trình học thì đã mất đi những mắt xích, cầu nối quan trọng trong chương trình toán hiện hành. Có những phần ở bậc học cao cần lược bỏ như số phức, thống kê. Nhưng về cơ bản, chương trình toán học ở bậc phổ thông hiện nay không nặng như dư luận lầm tưởng.

Tuy nhiên, nếu so sánh bộ sách giáo khoa của Việt Nam với thế giới, kể cả bộ sách trong chương trình mới sau năm 2018 thì đội ngũ viết sách vẫn yếu, chưa đáp ứng được những điều kiện đổi mới so với các nước.

Cho người học sự đam mê

TS Trần Nam Dũng cho rằng, trong những năm gần đây Việt Nam đã tiếp cận cách học toán thông qua các trải nghiệm toán học như nhiều nước trên thế giới đã làm. Đó là chương trình dạy Toán kích thích và phát triển tư duy cho học sinh của TS Chu Cẩm Thơ và các cộng sự thuộc khoa Toán tin-Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học toán cùng Jenny, chương trình đa thông minh… thông qua trải nghiệm của trẻ em đã là một cách tiếp cận với môn toán đúng hướng.

TS Chu Cẩm Thơ khẳng định, toán học không phải khô khan, toán học giúp trẻ phát triển trí thông minh và cảm xúc. Bình thường trong bậc phổ thông, người dạy toán vẫn thực hành tư duy toán học bao gồm: Tư duy logic, tư duy hàm, tư duy thuật toán, tư duy sáng tạo. Trong khi họ quên rằng mất giai đoạn “Tiền tư duy” bao gồm: Quan sát, tưởng tượng, thao tác cụ thể thông qua các trò chơi, toán học, mô hình toán. Với chương trình PoMath, trẻ sẽ tiếp cận với toán thông qua các trò chơi, dựa trên phép toán.

“Hãy tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm, chơi với toán, chúng sẽ tìm ra quy luật nào đó. Kiến thức không phải quan trọng nhất, quan trọng nhất là kỹ năng cốt lõi: Cách thu thập thông tin, xử lý thông tin, tương tác, phản biện và tự học”, TS Chu Cẩm Thơ nói.

Như vậy, để toán học, một môn học chính trong trường học không khô khan, không đóng khung, trước hết như GS TSKH Hà Huy Khoái thì cần phải tạo cho trẻ sự say mê. Sự say mê ấy sẽ được được nhân lên thông qua những hoạt động trải nghiệm trò chơi toán học… trong quá trình học phổ thông. Và đó chính là những vấn đề mà ngành giáo dục cần chú trọng hơn trong thời gian tới”.
Lê Vân
Đề thi môn Toán có sự phân hóa cao
Đề thi môn Toán có sự phân hóa cao

Các thi sinh bước vào môn thi đầu tiên (môn Toán) sáng 1/7. Theo đánh giá chung, môn Toán có tính phân loại cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN