Khơi gợi sự yêu thích
Mở đầu câu chuyện, TS Nguyễn Thị Tú Linh cho biết, khi còn học phổ thông chị không thích môn Sinh học vì “khá nhàm chán”. Mặc dù học giỏi đều các môn, nhưng với “chỉ thị” của mẹ (vốn là cán bộ của khoa Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), Nguyễn Thị Tú Linh phải thi vào khoa Sinh học.
"Tôi thi khối A vào khoa Sinh và với định hướng của mẹ là phải học thật giỏi và nối nghiệp là giảng viên. Lúc đỗ đại học, tôi đang nghĩ không biết làm sao để hoàn thành định hướng này của mẹ”, TS Nguyễn Thị Tú Linh kể.
Tuy nhiên, “những bài giảng mang tính thực tiễn và đầy cảm hứng của các thầy, cô đã giúp tôi có cái nhìn khác về môn học này và bắt đầu tìm hiểu. Đó không phải là những gì cao siêu mà thầy, cô cho tôi thấy những gì tôi đang học rất gần gũi với đời sống. Tôi đã yêu môn Sinh học lúc nào không biết, cũng như hoàn thành định hướng của mẹ một cách xuất sắc nhưng trong say mê”, TS Nguyễn Thị Tú Linh cho biết.
Sau này, khi TS Nguyễn Thị Tú Linh tiếp xúc với những sinh viên đến với khoa Sinh mà chưa có định hướng rõ ràng cũng như chưa có sự say mê với nghiên cứu thì mới thấu hiểu hơn trách nhiệm của người thầy, người dẫn dắt.
TS Nguyễn Thị Tú Linh chia sẻ: “Thầy truyền cho mình niềm yêu thích môn học và đam mê nghiên cứu, mình truyền lại cho các em sinh viên và giúp các em thấy được vẻ đẹp của môn học, tính ứng dụng của các kiến thức liên quan khi các em ra trường, tạo động lực để các em phấn đấu. Tiến xa hơn nữa là tiếp tục học và nghiên cứu ở các bậc học cao hơn để trở thành những nhà khoa học xuất sắc”.
Những bài giảng của TS Nguyễn Thị Tú Linh có khi là những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra. Đó là, giúp sinh viên tiếp cận theo hướng đặt vấn đề về các thách thức trong nghiên cứu và điều trị bệnh ở người; giới thiệu về cơ chế tác động của virus Sar-CoV-2 và các xét nghiệm phát hiện dựa trên sự có mặt của kháng nguyên virus và kháng thể… Hay việc chế tạo vaccine như thế nào, dựa trên nguyên lý gì? Hay trước đó là câu chuyện nhận dạng “39 nạn nhân chết trong container ở Anh đều là người Việt”...
“Những câu chuyện thời sự nóng hổi gắn với bài giảng luôn cuốn hút sinh viên. Tôi luôn chia sẻ với các em, làm gì cũng vậy, nếu xuất phát từ niềm yêu thích thì sẽ thấy thoải mái, nhẹ nhàng và dễ thành công”, TS Nguyễn Thị Tú Linh tâm sự.
TS Nguyễn Thị Tú Linh là giảng viên luôn có số giờ giảng dạy năm học cao hơn so với định mức giảng viên và nhận được phản hồi tích cực của sinh viên; Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có những bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và trong nước có uy tín; Tham gia xây dựng phòng an toàn sinh học, hồ sơ, quy trình kỹ thuật và nhân sự cho xét nghiệm Sar-CoV-2 bằng real-time RT-PCR tại phòng sinh học phân tử, bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội...
Phụ nữ với nhiều vai
Thừa nhận phụ nữ phải đảm đương nhiều vai và sẽ khó khăn hơn so với nam giới, nhưng TS Nguyễn Thị Tú Linh cho rằng, sự uyển chuyển, vượt khó của nữ giới lại là một lợi thế. Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Thị Tú Linh được biết đến là một giảng viên, Bí thư chi đoàn và là Phó Trưởng phòng Sinh học phân tử, Phòng khám đa khoa của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng như đa số phụ nữ khác, TS Nguyễn Thị Tú Linh còn có vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình.
TS Nguyễn Thị Tú Linh nhớ lại khoảng thời gian Hà Nội trong những ngày đầu giãn cách vì dịch COVID-19, nhóm nghiên cứu mà chị tham gia liên quan đến virus Sar-CoV-2 đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm trong một thời gian dài, phải đeo khẩu trang toàn bộ thời gian làm việc, thức khuya, dậy sớm và mụn mọc đầy mặt...
Dẫu vậy, TS Nguyễn Thị Tú Linh cho rằng, bên cạnh mình có nhiều cô giáo, đồng nghiệp thực sự vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Những tấm gương ấy luôn là động lực để chị phấn đấu. Điều TS Nguyễn Thị Tú Linh ấp ủ là tiếp tục có những cải tiến tốt hơn trong công việc, tập trung nghiên cứu các bệnh ở người và phát triển các sản phẩm khoa học có thể hỗ trợ cho những chẩn đoán và điều trị của các bác sĩ sau này.
“Tôi đã đi theo hướng nghiên cứu này và muốn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Công việc nghiên cứu sẽ tác động sâu sắc đến bài giảng và thu hút được sinh viên bởi tính thực tiễn vốn có. Đây cũng là hướng phát triển theo định hướng chung của Đại học Quốc gia Hà Nội”, TS Nguyễn Thị Tú Linh chia sẻ.