Làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức Đảng
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một trong các cơ sở giáo dục phân định rõ được quyền của các bên khi thực hiện tự chủ.
Trường thành lập Hội đồng trường vào tháng 5/2017, sau đó một tháng được giao quyền tự chủ. Trường làm rõ cơ chế của Hội đồng trường. Mới đầu thành lập, theo Luật 2012, hiệu trưởng chủ trì, có thể vai trò ảnh hưởng đến lãnh đạo của Hội đồng trường. Nhưng theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Hiệu trưởng chỉ là một thành phần tham gia, phân vai khá rõ. Vấn đề còn lại Hội đồng trường có thể thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ hay không.
“Kết quả hoạt động cho thấy, Hội đồng trường ra chức năng quản trị, chính sách, quyết định lớn, phê duyệt kế hoạch tài chính của nhà trường giúp hiệu trưởng thực hiện công việc tốt hơn”, PGS TS Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết.
Chủ trương “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” mới được triển khai vài năm nhưng đã có một số trường thí điểm tự chủ thành công.
Với trên 1.100 đảng viên, Đảng bộ trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một đảng bộ lớn trực thuộc Đảng bộ khối các trường Đại học và Cao đẳng Hà Nội. Từ tháng 10/2016, trường đã thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.
Ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Muốn phát huy được vai trò của tổ chức Đảng trong cơ chế tự chủ đại học cần phải làm rõ vai trò, chức năng và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong cơ chế này. Đảng uỷ trường lãnh đạo toàn diện trong quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy và cải tổ hệ thống quản trị nhà trường, tiếp cận mô hình của các đại học tiên tiến trên thế giới. Hội đồng trường được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, với các thành viên có năng lực và uy tín tiêu biểu được Đảng ủy giới thiệu, lãnh đạo nhà trường và tập thể cán bộ bầu chọn. Qua thực tế hoạt động, Hội đồng trường khẳng định được vai trò là tổ chức quản trị và đại diện quyền sở hữu, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới chiến lược, cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực và giám sát kết quả hoạt động của trường”.
Chia sẻ về cách làm này, ông Bùi Đức Hùng khẳng định: “Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tổ chức Đảng đã làm tốt công tác của mình trên cơ sở nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo, thể hiện tính tổng thể và toàn diện trong cơ chế tự chủ đại học song không làm thay bộ máy quản lý như Hội đồng trường, Ban giám hiệu”.
Tại trường ĐH Mở Hà Nội, TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các hoạt động của nhà trường. “Đảng lãnh đạo theo hệ thống giá trị của tổ chức Đảng, nhằm mục tiêu phát triển quốc gia, dân tộc. Hoạt động của Hội đồng trường không ảnh hưởng đến nguyên tắc này vì Hội đồng trường phải nghiêm túc thực hiện các lãnh đạo của Đảng uỷ vì sự phát triển của nhà trường. Đồng thời, trong cơ cấu thành phần Hội đồng trường có thành phần đương nhiên là Bí thư Đảng uỷ. Các chủ trương của Đảng uỷ được “chuyển hoá” thành các Nghị quyết của Hội đồng trường thông qua Bí thư Đảng uỷ nhằm thể hiện và khẳng định đầy đủ tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong trường đại học”, TS Nguyễn Mai Hương cho biết.
Hiện nay, tại trường ĐH Mở Hà Nội, quan hệ giữa Đảng uỷ và Hội đồng trường cùng phối hợp thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan quản lý để thống nhất từ chủ trương của Đảng đến hoạt động quản trị của Hội đồng trường nhằm phát triển bền vững nhà trường. Nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trường là xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường theo chủ trương của Đảng uỷ.
Các chính sách mà Hội đồng trường xây dựng thường bao gồm hai loại: Các mục tiêu cuối cùng cần đạt được và các giới hạn không được phép vượt qua khi điều hành. Để đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa Đảng uỷ và Hội đồng trường, phương án Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng uỷ là một lựa chọn tối ưu cả về lý luận và thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đây là hai chức danh được bầu qua Hội nghị nên cần đảm bảo tính dân chủ trong bầu cử. Thực tế đã chứng minh, với phương án này, các chủ trương của Đảng uỷ được quán triệt sâu sắc tới Hội đồng trường và là cơ sở vững chắc để Hội đồng trường triển khai công tác quản trị. Sự lãnh đạo của Đảng uỷ sẽ hỗ trợ những quyết định đúng đắn của Hội đồng trường và ngăn chặn những quyết định không đúng đắn, do đó sẽ tạo sự đồng thuận, thống nhất để nhà trường phát triển đúng hướng.
Thiết kế lại hệ thống quản trị và quản lý trường đại học
Kinh nghiệm triển khai của các trường thí điểm tự chủ thành công là: Đảng uỷ - Hội đồng trường - Ban giám hiệu và các nhân sự lãnh đạo đảm bảo tuân thủ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở công khai, minh bạch thông tin và các hoạt động của nhà trường. Kinh nghiệm này cũng là bài học giá trị về sự tôn trọng và đoàn kết để đạt mục tiêu chung, góp phần thực hiện tốt chủ trương đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ toàn diện của Đảng và Nhà nước.
Muốn xây dựng ĐH tự chủ hoàn toàn, cơ sở giáo dục có thể tự quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của mình một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất: “Phải thiết kế lại hệ thống quản trị và quản lý trường đại học. Việc các văn bản pháp quy không phản ánh đầy đủ vai trò thực chất của tất cả các tổ chức tham gia vào quá trình lãnh đạo, quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đã làm cho mô hình tự chủ bị méo mó, không phản ánh đầy đủ và trung thực “thế giới khách quan” của trường đại học. Do đó, về mặt thiết kế hệ thống, cần có tổ chức Đảng, và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường đại học, làm sáng tỏ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa ba thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Gỡ ‘điểm nghẽn’ này theo hướng giao thực quyền cho Hội đồng trường”.
Mô hình đại học tự chủ là phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. 23 trường thí điểm tự chủ đã có những trường phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng.
Đề xuất những giải pháp khẳng định vai trò dẫn đường của Đảng, PGS.TS Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội nói: “Đảng ủy các trường đại học, cao đẳng, xuất phát từ đặc thù của mình, cần mạnh dạn tạo đột phá, đổi mới phương thức lãnh đạo; thay đổi tư duy quản trị đại học, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của nhà trường, đặc biệt phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, hạt nhân của cấp ủy Đảng trong hệ thống chính trị; Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội (70 trường) cần tổ chức các hội thảo chuyên đề, tổng kết kinh nghiệm thực tế hoạt động của các trường làm cơ sở lý luận và thực tiễn kiến nghị các cơ quan Đảng, Ban cán sự Đảng các Bộ, nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc cho các trường”.
Bài cuối: Tự chủ đại học rất cần vai trò của tổ chức Đảng