Như vậy, so với 20 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp vào ngày 23/9, với những nỗ lực của địa phương và các nhà trường, 16 trường đã tổ chức dạy học bình thường trở lại sau thời gian bị ngập kéo dài. Toàn bộ 16 trường này đều thuộc huyện Chương Mỹ, gồm 4 trường mầm non (Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến - khu lẻ, Mỹ Lương), 6 trường tiểu học (Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Xuân Mai B, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên) và 6 trường trung học cơ sở (Nam Phương Tiến A, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để có ứng phó linh hoạt, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các nhà trường rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 13/9, toàn thành phố có 153 trường học chưa thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao gây ngập lụt. Trước tình hình đó, bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được toàn ngành xác định. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Hiệu trưởng các nhà trường cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và các thông tin cảnh báo liên quan; hằng ngày cần rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác với tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.
Ông Trần Thế Cương lưu ý, với các đơn vị, nhà trường bị ảnh hưởng nặng của bão; các trường ở xã đảo, địa bàn vùng trũng... có kế hoạch, chủ động triển khai hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.