Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 20 trường, cụm trường, điểm trường học nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần tiến hành di dời khẩn cấp và đầu tư xây dựng ở vị trí mới.
Huyện Bắc Hà là địa phương có nhiều trường học bị ảnh hưởng nhất. Tính đến 16 giờ ngày 20/9, huyện có 12 trường và điểm trường nằm trong các vùng có nguy cơ sạt lở cao, hiện đã tổ chức di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc hạn chế làm việc, lưu trú qua đêm.
Đó là các trường: Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Lúc; Mầm non Nậm Lúc (Điểm trường chính - Nậm Kha); Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lúc; Mầm non Tả Củ Tỷ (Trường chính); Mầm non Nậm Đét (Điểm trường Nậm Đét); Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Đét (Điểm trường Nậm Đét); Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Cái; Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Củ Tỷ 2; Mầm non Bản Cái (Điểm trường Cô Tông - Bản Vàng); Mầm non Cốc Lầu (Điểm trường Cốc Lầu); Mầm non Nậm Lúc (Điểm trường Nậm Tông); Mầm non Nậm Đét (Trường chính). Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện để tái thiết các trường ước 453 tỷ đồng.
Huyện Bắc Hà đang tổ chức kiểm tra, đánh giá để chỉ đạo khắc phục, cũng như có phương án kiến nghị, đề xuất các cấp chỉ đạo, sớm đảm bảo điều kiện để học sinh các trường trên đi học trở lại. Trước mắt, trong thời gian sớm nhất, học sinh sẽ được học xen ghép, học nhờ hoặc phải mượn nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan...
Do bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, thị xã Sa Pa hiện có 5 trường, cụm trường và điểm trường phải di dời. Đó là: Điểm trường Mầm non Sa Pả; Cụm trường Mầm non và Tiểu học Đội 6 Hòa Sử Pán; Điểm trường Mầm non Phìn Hồ trường Mầm non Bản Khoang; Cụm trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Tả Giàng Phìn và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Suối Thầu.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, tại các trường, cụm trường và điểm trường trên, huyện đã tổ chức phân luồng học sinh, chia các trẻ vào học tại trường chính và điểm trường lân cận; mượn nhà văn hóa thôn; sắp sếp các phòng bán trú và phòng phụ trợ khác sử dụng tạm thời làm nhà công vụ, mượn tạm cơ sở nhà dân ở gần để tạm tránh khi mưa bão... Đơn vị đã đề nghị UBND thị xã tổ chức đầu tư xây dựng ngay để đáp ứng chỗ học và chỗ ở ổn định cho giáo viên và học sinh tại 5 trường, cụm trường, điểm trường trên với chi phí khái toán khoảng 27,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Bảo Yên có 2 trường là Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xuân Thượng. Huyện Bát Xát có Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phìn Ngan cũng phải di dời.
Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai còn 44 trường và 6 điểm trường chưa tổ chức dạy, học trở lại do chưa sửa chữa, khắc phục xong hoặc đang sử dụng làm nơi tránh trú tạm thời cho nhân dân. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến sau bão gây ra; tổ chức tuyên truyền cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường tuyệt đối không chủ quan trong phòng tránh bão lũ.