Theo Đề án, với mỗi hộp Sữa học đường (dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp), ngân sách hỗ trợ 30%, phụ huynh học sinh đóng góp 47%, phần còn lại doanh nghiệp tài trợ. Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND thành phố ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước, ngân sách hỗ trợ 50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng... Sữa trong Ðề án Sữa học đường, ngoài việc bảo đảm dinh dưỡng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, còn là sữa chuyên biệt, được tăng cường vi chất so với các loại sữa thông thường bán trên thị trường.
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và xã hội về tầm quan trọng việc phát triển thể chất, trí tuệ học sinh. Từ đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tính nhân văn của Đề án vì thế hệ tương lai, về giá và cơ chế chính sách đối với hộ nghèo khi thực hiện Chương trình sữa học đường tại TP Hà Nội.
Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội hoàn thiện ký hợp đồng khung với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Phối hợp với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và đơn vị liên quan hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiết mẫu hợp đồng, quy trình tổ chức, thực hiện từ khâu tiếp nhận, bảo quản, sử dụng sữa đến xử lý, thu hồi vỏ hộp, đảm bảo vệ sinh, an toàn, công khai, minh bạch; báo cáo kết quả thực hiện định kỳ và từng năm theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa theo định kỳ và đột xuất, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đúng quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam tập huấn, hướng dẫn cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập trước ngày 10/12/2018; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường công lập tổ chức ký hợp đồng với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đúng quy định trước ngày 20/12/2018.
Đánh giá công tác chuẩn bị ở các địa phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, việc triển khai chương trình Sữa học đường không dễ dàng, do đó vai trò của địa phương rất quan trọng, quyết định sự thành công của Đề án. Theo ông Dũng, cần tuyên truyền để các phụ huynh học sinh tiếp thu được đầy đủ thông tin, lợi ích khi tham gia chương trình.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, ngay từ đầu tháng 12 này, Sở đã tổ chức tập huấn cho các quận, huyện, trường học trên địa bàn về từng khâu cụ thể như vận chuyển, bảo quản, hướng dẫn học sinh uống sữa đúng cách và xử lý bao bì sữa sau khi sử dụng…
Chương trình Sữa học đường sẽ cung cấp sữa tươi cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học năm lần/tuần trong 9 tháng đi học, mỗi lần uống một hộp 180 ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai chương trình. Gần 4 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn Hà Nội sẽ được uống sữa năm lần/tuần. Ðây là loại sữa chuyên biệt, được tăng cường các vi chất so với các loại sữa bán trên thị trường, nhằm cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai của Thủ đô.