Hà Nội rà soát trường hợp được đặc cách giáo viên hợp đồng trước ngày 20/11

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có Công văn hỏa tốc số 10941/VP-NC ngày 14/11 do Phó Chánh Văn phòng Đặng Hương Giang ký gửi Sở Nội vụ Hà Nội về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Nội dung công văn nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được văn bản số 57/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Nội vụ tổng hợp, rà soát, tham mưu báo cáo UBND thành phố Hà Nội trước ngày 20/11/2019.

Trước thông tin này, một số giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) rất băn khoăn bởi việc rà soát các giáo viên hợp đồng đã được huyện thực hiện xong rất lâu trước đó. Vậy tại sao Hà Nội không sử dụng kết quả rà soát này? Hơn nữa, thực tế có khá nhiều giáo viên hợp đồng của huyện đã tham gia vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức vào ngành giáo dục năm 2019 và bị trượt, đã lên huyện nhận thông báo chấm dứt hợp đồng làm việc. Nhiều giáo viên ở huyện Sơn Tây cũng đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng ngay từ ngày đầu năm học 5/9. Liệu các trường hợp này có được áp dụng quyết định xét tuyển đặc cách của thành phố sau này (nếu có)?

Các giáo viên cũng nêu thắc mắc về thời hạn Sở Nội vụ báo cáo UBND thành phố là ngày 20/11. Bởi, theo các giáo viên này, ngày 17/11 tới họ phải tham gia thi vòng 2, nếu trượt thì sẽ như thế nào?

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc biệt đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 về trước.

Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Nội vụ, hiện nay một số tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Quảng Nam, Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk)… cũng đang tiến hành rà soát giáo viên hợp đồng đủ điều kiện như trong văn bản của Bộ Nội vụ đề cập.

Đối với Hà Nội, từ tháng 3/2019, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã nhiều lần thực hiện việc rà soát giáo viên đã có hợp đồng trên địa bàn. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát và căn cứ vào quy định tại khoản 7, Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Nội vụ Hà Nội xác nhận không có giáo viên hợp đồng nào đạt đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.

Vừa qua, Hà Nội cũng đã tổ chức thi vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức vào ngành giáo dục năm 2019. Ngày 17/11 tới, Hà Nội tổ chức thi vòng 2 tuyển viên chức ngành giáo dục.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh dùng chính sách 'mở' tạo cạnh tranh thi tuyển giáo viên
TP Hồ Chí Minh dùng chính sách 'mở' tạo cạnh tranh thi tuyển giáo viên

Hai năm gần đây, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã “cởi mở” hơn với chính sách tuyển dụng giáo viên thông qua việc bãi bỏ quy định phải có hộ khẩu tại thành phố. Chính sách này giúp TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn tuyển dụng dồi dào, chọn lựa được giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN