Nguyên Vũ sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội, mẹ là cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, bà nội là giáo viên, từ nhỏ em được rèn luyện tính độc lập, tự giác. Em cũng có thói quen tự học, đọc sách, báo và xem tivi để bổ trợ thêm nhiều kiến thức xã hội.
Trở về sau khi cuộc thi kết thúc, Đặng Lê Nguyên Vũ đón nhận nhiều lời chúc mừng từ gia đình, bạn bè, thầy cô và cả người dân Thái Bình. Đối với em đây là niềm vinh dự, tự hào sau hơn 2 năm nỗ lực ôn luyện, trau dồi kiến thức trên nhiều lĩnh vực.
Nhớ lại những khoảnh khắc kịch tính trong trận chung kết, Nguyên Vũ chia sẻ, dù cuộc thi đã kết thúc nhưng khi nhắc lại em vẫn rất hồi hộp. Trong phần thi về đích, khi em đang có điểm số cao thứ 2 với 175 điểm - kém người dẫn đầu Vũ Nguyên Sơn (Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam) 10 điểm và chỉ còn một cơ hội cuối cùng là câu hỏi 30 điểm của Vũ Bùi Đình Tùng (Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Phú - Hải Phòng). Thời điểm đó em đã rất lo lắng nhưng em nghĩ câu hỏi cuối cùng cũng là cơ hội cuối cùng cho ngôi vị vô địch nên em đã tập trung cao nhất để đọc kỹ câu hỏi và đưa ra đáp án nhanh nhất.
Trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là “vua tốc độ” khi em xuất sắc giành trọn vẹn 160 điểm ở vòng thi quý và là thí sinh duy nhất giữ kỷ lục này của cuộc thi năm thứ 22. Dù vậy, trước khi bước vào trận chung kết, Nguyên Vũ không chủ quan và đánh giá rất cao 3 đối thủ của mình. Nguyên Vũ cho biết, cả 3 bạn đều là đối thủ “đáng gờm” với những thế mạnh riêng như Đình Tùng có khả năng về đích tốt, Anh Đức có khả năng tạo bất ngờ, còn Nguyên Sơn có kiến thức đồng đều và khả năng ở tất cả các phần thi. Vì vậy, trong cuộc thi chung kết, ngoài việc trang bị kiến thức toàn diện, thí sinh cũng cần có chiến thuật hợp lý.
Chia sẻ về bí kíp học tập của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay phương pháp học của em không gò bó, không quá áp lực với tinh thần thoải mái nhất, khi đó kiến thức sẽ được lĩnh hội nhanh nhất và không có cảm giác mệt mỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường Trung học Phổ thông Bắc Duyên Hà) cho biết, năm 2020 khi Nguyên Vũ có ý định tham dự cuộc thi, gia đình và nhà trường đã rất ủng hộ và đặt niềm tin vào cậu học trò này. Hai năm qua, Nguyên Vũ đã rất nỗ lực để hoàn thiện các kỹ năng cũng như kiến thức chuẩn bị cho cuộc thi. Em là lớp trưởng gương mẫu, học sinh chăm ngoan, nhanh nhẹn, có trí nhớ tốt và học đều các môn với điểm tổng kết trung bình chung trên 9,0, đặc biệt Nguyên Vũ có thế mạnh về Toán học và Vật lý. Dù vừa học chương trình trên lớp, vừa phải tự ôn thi trên đường đua Đường lên đỉnh Olympia song Nguyên Vũ luôn hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra, đánh giá của nhà trường.
Để hỗ trợ Nguyên Vũ trên hành trình chinh phục ngôi vị quán quân, Trường Trung học Phổ thông Bắc Duyên Hà đã thành lập Ban cố vấn giúp em bổ sung thêm các kiến thức ở nhiều lĩnh vực; đồng thời động viên, khích lệ tinh thần Nguyên Vũ trong suốt quá trình tham gia dự thi ngay từ vòng thi tuần, tháng, quý và đặc biệt ở trận chung kết.
Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà đánh giá, chiến thắng của em Đặng Lê Nguyên Vũ trong sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia là dấu mốc đáng nhớ không chỉ với cá nhân em mà còn là vinh dự, tự hào của quê hương Hưng Hà, Thái Bình. Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Bình có một thí sinh lọt vào vòng chung kết và giành ngôi vị quán quân.
Hành trình chinh phục Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 đã khép lại với chiến thắng thuộc về cậu học trò Trường Trung học Phổ thông Bắc Duyên Hà Đặng Lê Nguyên Vũ. Với em, vòng nguyệt quế vinh quang là chiến thắng ban đầu và sẽ còn nhiều đỉnh cao tri thức khác em vươn tới trên con đường lập thân, lập nghiệp. Với niềm yêu thích công nghệ thông tin cùng cơ hội du học sau cuộc thi sẽ chắp cánh cho em biến đam mê thành hiện thực.