Xuất phát từ câu nói của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", 2 năm nay huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu của Thủ đô thực hiện đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường THCS, qua đó khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước của học sinh, góp phần cho thế hệ trẻ Thủ đô thêm thanh lịch, văn minh.
Tiết học lịch sử Thanh Trì tại trường THCS Liên Ninh |
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của Huyện ủy, Phòng Giáo dục và Ban Tuyên giáo đã sưu tầm tài liệu, hình ảnh tư liệu để biên soạn cuốn sách giảng dạy lịch sử huyện Thanh Trì. Trong quá trình biên soạn, có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu về sử học, tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, giúp cho cuốn sách có chất lượng tốt, đảm bảo cho học sinh có thể hiểu khái quát về mảnh đất, con người Thanh Trì.
Cuốn sách “Lịch sử huyện Thanh Trì” dành cho học sinh THCS được biên soạn công phu, tranh ảnh, hình vẽ minh họa phong phú, ấn tượng. Cuốn sách dày 56 trang, trong đó phân bổ kiến thức cho từng độ tuổi một các phù hợp. Đối với lớp 6, có bài giới thiệu khái quát về lịch sử huyện Thanh Trì. Lớp 7 với 2 bài: “Thanh Trì - miền quê giàu truyền thống văn hóa” và “Danh nhân tiêu biểu huyện Thanh Trì từ giai đoạn tiền Thăng Long đến thời Tây Sơn”. Lớp 8 có 2 bài: “Thanh Trì từ 1930 đến năm 1945” và bài “Thanh Trì trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược”. Lớp 9 cũng có 2 bài “Thanh Trì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và “Thanh Trì thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước”. Ngoài những bài chính, cuốn sách còn bố trí các bài đọc thêm để mở rộng kiến thức cho học sinh.
Từ năm 2012, sau khi áp dụng giảng dạy thí điểm, đến nay tiết học lịch sử huyện Thanh trì đã trở thành bắt buộc đối với các trường THCS trên địa bàn. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Chinh - giáo viên lịch sử trường THCS Liên Ninh chia sẻ: Để các em hứng thú với môn lịch sử, giáo viên bố trí thời gian tổ chức cho các em tham quan thực tế tại những địa danh lịch sử để các em cảm nhận rõ hơn ý nghĩa cũng như giá trị “hồn cốt” của mỗi danh nhân, mỗi địa danh, không chỉ gắn với mảnh đất Thanh Trì mà với cả nước. Từ lịch sử quê hương, bổ trợ cho các em khi học lịch sử dân tộc. Để tiết học hấp dẫn, bổ ích, dễ nhớ hơn, các thầy cô giáo còn lồng ghép vừa học vừa chơi. Ở trò chơi “đoán ô chữ”, học sinh có thể luận đoán ra tên làng, tên danh nhân, sản vật nổi tiếng của Thanh Trì.
Ông Hoàng Tuấn Khanh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì khẳng định, việc học lịch sử địa phương là cách làm nhằm “sâu rễ, bền gốc”, bổ sung kiến thức lịch sử, xã hội cho học sinh, giúp các em hiểu và tự hào hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra, phấn đấu học tập xứng với truyền thống quê hương. Để những tiết học lịch sử quê hương được hấp dẫn, bổ ích hơn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt, ông Hoàng Tuấn Khanh cho biết thêm, năm 2014, huyện có kế hoạch tổ chức thi giáo viên dạy giỏi tiết học lịch sử cho giáo viên các trường THCS. Cuộc thi nhằm khích lệ tinh thần dạy và học của thầy và trò, đồng thời để thầy cô đúc rút kinh nghiệm hay, sáng kiến tốt trong giảng dạy tiết học lịch sử quê hương, từ đó có phương pháp chung nhất áp dụng trong các trường học trên địa bàn.
Mạnh Khánh