Học Lịch sử qua hành trình tiếp nối truyền thống trung dũng, kiên cường

Tỉnh đoàn Long An thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Tỉnh đoàn Long An thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập, rèn luyện trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, qua những hoạt động về nguồn đầy ý nghĩa đã góp phần giúp thanh niên, học sinh thêm yêu lịch sử, yêu quê hương, đất nước. 

Chú thích ảnh
Học sinh hứng thú với các câu chuyện kể lịch sử tại Bảo tàng Long An. 

Một trong những hoạt động thiết thực là hành trình “Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng, kiên cường” do Tỉnh đoàn phát động, triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh từ năm 2019. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp tổ chức cho đoàn viên, học sinh tham quan di tích gắn liền với lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An, thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ… Đây là hoạt động nhằm khơi dậy niềm tự hào của mỗi đoàn viên, thanh niên, đội viên và học sinh về giá trị truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc bằng việc đến thăm các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm, địa chỉ đỏ… Từ đó hun đúc tinh thần yêu nước, nỗ lực, phấn đấu học tập, xây dựng quê hương, đất nước của thế hệ trẻ.
 
Tham gia hành trình “Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường”, được tới thăm Bảo tàng Long An, em Nguyễn Hữu Kỳ, lớp 11C1, Trường Trung học phổ thông Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa chăm chú xem, đọc thuyết minh ở từng góc trưng bày hiện vật của bảo tàng.

Chú thích ảnh
Khu trưng bày vũ khí tại Bảo tàng Long An giúp học sinh cảm nhận sâu sắc những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong chiến tranh. 

Em Nguyễn Hữu Kỳ chia sẻ: Những hành trình như thế này giúp em có cái nhìn về lịch sử một cách thực tế, gần gũi hơn. Tham quan bảo tàng, em thích khu trưng bày vũ khí, xe tăng, đó là những dấu tích chân thực của chiến tranh, giúp em cảm nhận ý chí kiên cường bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Từ đó, em càng thêm yêu quê hương, đất nước.
 
Thăm Bảo tàng Long An, em Nguyễn Hữu Kỳ ấn tượng về trận đánh tàu Espérance trên sông Vàm Nhựt Tảo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Là học sinh giỏi Toán nhưng em đặc biệt yêu thích môn Lịch sử, em thường đạt 9-10 điểm. Có được kết quả đó do Kỳ rất thích đọc và tìm hiểu thông tin liên quan đến lịch sử quê hương, đất nước, tìm đọc thông tin về những vị tướng tài ba của Việt Nam và thế giới.
 
Từng xem phim Mùi cỏ cháy, em Kỳ ấn tượng về những người lính với một lý tưởng sống cao cả, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “Bộ phim nói về hành trình 81 ngày đêm nơi Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đỏ lửa, cho chúng ta thấy chiến tranh ác liệt đến nhường nào”, em Nguyễn Hữu Kỳ cho biết.

Chú thích ảnh
Học sinh chăm chú đọc từng câu chuyện lịch sử tại Bảo tàng Long An. 

Nhiều học sinh yêu thích môn Lịch sử cũng chia sẻ, những hành trình về nguồn rất ý nghĩa cho việc học tập của các em. “Em rất thích đến thăm quan di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, qua đó hiện thực hóa những bài học lịch sử của em, giúp việc học môn Lịch sử thú vị, dễ hiểu bài hơn. Em đã đi những điểm như địa đạo Củ Chi, Công viên tượng đài Long An, Bảo tàng Long An… giúp em biết thêm nhiều kiến thức lịch sử, thêm tự hào và yêu quê hương đất nước mình hơn”, em Đặng Nguyễn Thanh Thư, lớp 8/7, Trường Trung học cơ sở Gò Đen, huyện Bến Lức nói.

Nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, uống nước nhớ nguồn, nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian qua, Tỉnh đoàn Long An triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở như: Tu sửa, chỉnh trang, vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ; tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ và di tích lịch sử văn hóa... Các cấp bộ Đoàn cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ người có công, gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, thương bệnh binh; duy trì hiệu quả công tác phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, vận động nguồn lực, đóng góp ngày công xây dựng, tu sửa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, thương bệnh binh; vận động kinh phí thực hiện 71 công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử - văn hóa”...

Chú thích ảnh
Không gian di tích lịch sử tại bảo tàng là nơi giúp học sinh có cái nhìn về lịch sử một cách thực tế, gần gũi hơn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Long An Phạm Văn Hậu cho biết, giai đoạn 2023-2027, Tỉnh đoàn chú trọng vận động nguồn lực, tổ chức điểm khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn… Các hoạt động góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Qua đó, giúp tuổi trẻ Long An xác định trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Giúp học sinh học lịch sử qua những sự kiện lịch sử
Giúp học sinh học lịch sử qua những sự kiện lịch sử

Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhiều trường học ở Hà Nội đã tổ chức các chương trình văn nghệ, nghệ thuật, trò chuyện chuyên đề để giáo dục cho học sinh về lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như lòng tự hào, biết hơn với thế hệ cha anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN