Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa đồng ý tăng học bổng, trợ cấp cho học sinh tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở ở 2 huyện miền núi từ 7 tỷ/năm như hiện nay lên 17 tỷ và chuyển thành bữa ăn trưa thay vì phát tiền mặt. Việc học 2 buổi ở cấp tiểu học, Sở GD&ĐT triển khai ở nơi có nhu cầu, riêng miền núi phải làm đầy đủ để việc ăn trưa cho các em dễ thực hiện.
Giờ tan trường của học sinh Trường THPT Khánh Sơn (huyện miền núi Khánh Sơn - Khánh Hòa). Ảnh: Kỳ Nam (Người Lao Động) |
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết: Sau Tết toàn tỉnh có gần 200 học sinh miền núi bỏ học, trước đó hè năm 2011 còn số này gần 500 em. Nguyên nhân bỏ học là sức học kém, kinh tế khó khăn, nhà xa trường…Sở đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo bằng văn bản, bằng nghị quyết hoặc chỉ thị giao nhiệm vụ cho các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành giáo dục vận động học sinh đi học.
Sở cũng đề nghị tỉnh cho phép thành lập trường cấp 1-2, trường cấp 2-3. Trước mắt, trong năm học 2012-2013 tái lập lại trường cấp 1-2 tại xã Ba Cụm Nam, Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), trường phổ thông cấp 2-3 tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể phối hợp cùng ngành giáo dục, đi sâu sát vào từng gia đình vận động học sinh đi học. Nhà trường cần kèm cặp, phụ đạo cho những trường hợp học kém.
Để rút ngắn khoảng cách đến trường của các em, việc mở thêm các điểm trường, tái lập trường cấp 1-2, 2-3 là cần thiết. Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng trang thiết bị học tập cũng cần được làm thường xuyên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Khánh Hòa, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học cao gấp 8 - 10 lần so với tỷ lệ bỏ học chung ở các cấp học. Sở GD&ĐT đã trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục nạn học sinh miền núi bỏ học.
Quang Đức