Hội các nàng dâu đi khuyến học

“Chỉ có con đường học mới giúp bọn trẻ ở thôn quê có một cái nghề ổn định và một tương lai không quẩn quanh với cái nghèo". Đó là tâm sự của bà Trần Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội “Nàng dâu khuyến học” và cũng là tâm niệm của những người phụ nữ về làm dâu tộc Nguyễn Hữu ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Tộc Nguyễn Hữu xuất hiện ở thị trấn Hà Lam (Quảng Nam) vào khoảng năm 1610, đến nay đã là đời thứ 14, với 5 phái, 15 chi và trên 1.400 nhân khẩu; trong đó có 280 nàng dâu, sống chủ yếu ở thị trấn Hà Lam. Nhận thức vai trò quan trọng của người dâu trong gia đình, dòng tộc và xã hội, năm 2006, Chi hội "Nàng dâu khuyến học" được mọi người trong tộc nhất trí thành lập. Bà Trần Thị Phương cho biết, cứ 3 tháng, Ban thường trực họp 1 lần, 6 tháng họp mở rộng có mời Ban bảo tộc. Một năm thì họp xét khen thưởng những nàng dâu hiếu thảo, gia đình hiếu học, khen thưởng các cháu đạt thành tích tốt trong học tập. Các nàng dâu đại diện cho 5 phái có nhiệm vụ nắm rõ danh sách con em trong phái mình hiện đang theo học các trường từ mẫu giáo đến đại học để có kế hoạch giúp đỡ khi gặp khó khăn và khen thưởng các cháu đạt học sinh khá, giỏi sau khi kết thúc một năm học. 
 

Nhiều năm qua, chi hội "Nàng dâu khuyến học" đã hỗ trợ, động viên kịp thời nhiều trường hợp con em trong dòng họ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều năm qua, Chi hội "Nàng dâu khuyến học" đã hỗ trợ kịp thời cho những con em đang gặp khó khăn trong dòng tộc. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Thu Thuỷ (học sinh lớp 10 Trường THPT Tiểu La, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), cha mất khi Thủy mới học lớp 6, mẹ sức yếu, hàng ngày phải đi cắt rau thuê cho người ta để nuôi 4 anh, chị em đi học. Khi biết do không có tiền, Thủy định nghỉ học, họ tộc đã tới trường xin bảo lãnh cho em. Hàng năm Thủy còn được nhận học bổng 2 triệu đồng của Chi hội "Nàng dâu khuyến học" của tộc, nhờ đó em có thể yên tâm tiếp tục theo học đến bây giờ. Từ đó đến nay, Thủy luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Cùng hoàn cảnh như Thủy, Nguyễn Hữu Khoa (sinh năm 1993) bị khuyết tật vận động bẩm sinh và gia đình rất khó khăn. Việc học của Khoa tưởng chừng như phải bỏ dở bởi những khó khăn vật chất cũng như tinh thần ngày một đè nặng lên đôi vai bé nhỏ. Được sự động viên, hỏi thăm thường xuyên của các thành viên Chi hội nàng dâu khuyến học, Khoa đã vượt khó vươn lên và hiện nay, Khoa đã đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Đại học Đà Lạt.

Cùng với việc đóng hội phí 60.000 đồng/người/năm vào quỹ khuyến học, Hội "Nàng dâu khuyến học" còn vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm để khen thưởng cho con cháu trong tộc. Từ nguồn quỹ này, giai đoạn 2006 - 2010, Hội nàng dâu tộc Nguyễn Hữu đã khen thưởng 1.528 trường hợp có thành tích xuất sắc trong học tập, hoàn cảnh khó khăn, con em trong tộc thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; cấp học bổng thường xuyên cho 8 trường hợp với mức từ 1,5 - 3 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hữu Trúc, Tộc trưởng tộc Nguyễn Hữu ở thị trấn Hà Lam vui mừng nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Chúng tôi thực sự rất vui mừng và yên tâm từ khi Chi hội khuyến học nàng dâu tộc Nguyễn Hữu – Hà Lam ra đời với chủ trương động viên khuyến khích thế hệ trẻ khơi dậy lòng tự hào noi gương thế hệ cha ông đi trước. Đây không chỉ là một cách làm hay trong việc khuyến khích và giúp đỡ con em về học tập, mà còn góp phần gắn kết những người trong tộc lại với nhau".
 
Theo bà Phạm Thị Minh Chiến, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam, trong tỉnh không chỉ riêng tộc Nguyễn Hữu mà phong trào khuyến học trong các gia đình, tộc họ đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 17.000 gia đình và hơn 1.500 dòng họ được các cấp hội công nhận danh hiệu hiếu học, nổi trội là ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình , TP.Tam Kỳ... Vùng quê nghèo nên những bậc cha mẹ ở mảnh đất này đang dồn mọi tâm trí, nguồn lực vào sự học, con đường tương lai rộng mở cho con em mình.

Kỷ niệm 15 năm ngày Khuyến học Việt Nam và 20 năm ngày thành lập Hội khuyến học Quảng Nam, mô hình "Nàng dâu khuyến học" của tộc Nguyễn Hữu ở thị trấn Hà Lam đã được Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam biểu dương và công nhận là tộc họ hiếu học cấp tỉnh.

Hứa Chung
Thầy giáo dạy chữ bằng đôi tay tật nguyền
Thầy giáo dạy chữ bằng đôi tay tật nguyền

“Sinh con trai đầu lòng, đáng lẽ mẹ rất vui mừng và hạnh phúc. Nhưng đôi tay tôi bị tật nguyền, mọi người khuyên mẹ bỏ đi để cháu sau này không phải khổ. Lòng mẹ quặn thắt, giàn giụa nước mắt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN