Cụ thể, quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa công ty TNHH British Council (Việt Nam), công ty TNHH Công nghệ giáo dục Đông A, công ty cổ phần Phát triển giáo dục và đào tạo ODIN, công ty TNHH University Access Centre Việt Nam và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).
Như vậy, Hội đồng Anh đã được phép tổ chức kỳ thi này trở lại sau 8 ngày tạm hoãn. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/11. Thời hạn hoạt động liên kết là 5 năm.
Quyết định cũng nêu: Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên khi tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh và pháp luật Việt Nam.
Địa điểm tổ chức kỳ thi ở Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Các đơn vị liên kết có trách nhiệm thông báo bằng văn bản lịch thi với cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức thi trước 5 ngày tính đến ngày tổ chức thi; gửi báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi theo định kỳ 6 tháng một lần và khi có sự thay đổi khác tới Bộ GD&ĐT.
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS của các bên theo hồ sơ liên kết.
Như vậy, các đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam là Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục IDP đều được phép tổ chức lại kỳ thi này. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã phê duyệt việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh.
Trước dó, trả lời báo chí về việc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc một số tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Theo đó, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định 3 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định; Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết; Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát".