Hỗ trợ đào tạo khoảng 70 nghìn nhân lực có trình độ cao
Trải qua gần 75 năm hợp tác, Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã đào tạo cho Việt Nam gần 70 nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật, nhà quản lý và một đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều người trong số du học sinh ưu tú được Liên Xô đào tạo đã nắm giữ những cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; là những cán bộ khoa học nòng cốt trong các cơ quan nhà nước, tổ chức nhân dân, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu khoa học…
Công tác đào tạo nhân lực giữa Việt Nam – Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay có thể chia ra hai giai đoạn chính: Giai đoạn từ 1950-1990 và Giai đoạn từ 1990 đến nay. Ngay sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, từ năm 1950, Việt Nam đã cử những du học sinh ưu tú đầu tiên đi đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Liên Xô. Năm 1955, Việt Nam và Liên Xô chính thức ký hiệp định đầu tiên về công tác đào tạo. Từ đây, hàng chục nghìn công dân Việt Nam đã được gửi đi đào tạo tại các trường uy tín nhất của Liên Xô, ở những chuyên ngành Việt Nam có nhu cầu.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 1950-1991, Liên Xô đã tiếp nhận, đào tạo khoảng 52.000 công dân Việt Nam, trong đó có hơn 30.000 người ở trình độ đại học, gần 3.000 tiến sỹ, hơn 200 tiến sỹ khoa học và hàng vạn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh.
Sau khi Liên Xô tan rã, dù có khó khăn và hợp tác bị chùng xuống, Liên bang Nga vẫn tiếp tục sứ mệnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, dành hỗ trợ cho Việt Nam qua các hiệp định hợp tác được ký mới. Hằng năm, Liên bang Nga vẫn cấp cho Việt Nam hàng chục đến hàng trăm suất học bổng Chính phủ (từ năm 2018 đến năm 2020 có hơn 950 chỉ tiêu mỗi năm). Từ năm 2021 đến nay, Liên bang Nga đã cấp cho Việt Nam 1.000 suất học bổng. Nhờ vậy, đã có thêm hàng chục nghìn công dân Việt Nam được tiếp nhận đào tạo tại các trường đại học Nga trong giai đoạn này.
Đội ngũ trí thức được đào tạo tại Liên bang Nga trở về nước luôn là nguồn nhân lực quan trọng, có trình độ chuyên môn cao, phương pháp làm việc tiên tiến, khoa học, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu đẹp; là cầu nối hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.
Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục đại học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, cùng với công tác đào tạo nhân lực, việc hợp tác giữa các trường đại học hai nước Việt Nam – Liên bang Nga cũng được quan tâm thích đáng, có bước chuyển biến lớn, với hàng trăm văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học được ký kết. Các hợp tác này xuất phát từ mối quan hệ sẵn có của những lãnh đạo nòng cốt các nhà trường từng là cựu du học sinh tại Nga và từ nhu cầu thực tiễn, vì Nga vẫn luôn là quốc gia hàng đầu về khoa học kỹ thuật, khoa học cơ bản, có chất lượng đào tạo đại học uy tín.
Việt Nam và Liên bang Nga hiện duy trì cơ chế tổ chức luân phiên Diễn đàn Hiệu trưởng các đại học Việt-Nga. Diễn đàn lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội năm 2019. Mới đây, tháng 4/2024, Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ hai đã được tổ chức tại thủ đô Mát-xcơ-va, với sự tham dự của 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 40 cơ sở giáo dục giáo dục đại học Liên bang Nga, hàng chục văn bản hợp tác mới được ký kết. Diễn đàn là cơ hội để hai bên tiếp tục mở rộng mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục - đào tạo đã được ký kết giữa hai nước. Các hoạt động trao đổi học thuật, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên liên tục được tăng cường.
Năm 2023, hai nước đã thành lập Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật và Mạng lưới các trường đại học đào tạo về Công nghệ thông tin - Truyền thông. Đây là một hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa các đại học kỹ thuật hàng đầu của Nga và Việt Nam, tạo động lực để các trường đại học hai nước tham gia sâu vào công tác hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học chung, phục vụ nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao giữa hai nước vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nga vẫn luôn là địa chỉ đáng tin cậy để gửi sinh viên đi đào tạo, nhất là về các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ mới, năng lượng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, khoa học biển, nghệ thuật… Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin cùng với sự kiện ký kết Hiệp định mới về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ là cú hích, là xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác giáo dục của hai nước.
Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số hoạt động hợp tác, tương xứng với Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Cụ thể, xem xét nâng cấp Phân viện Puskin tại Việt Nam thành Trung tâm Puskin với đầu tư của Liên bang Nga, nhằm đẩy mạnh công tác giảng dạy tiếng Nga, quảng bá văn hóa Nga tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Đồng thời, khuyến khích các trường đại học uy tín của Nga hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để tổ chức dạy các chương trình liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.