Gia tăng số lượng và độ nguy hiểm
Trong tháng 11 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường với nhiều đối tượng liên quan. Trưa 15/11, do có mâu thuẫn từ trước, nhóm học sinh trong đó có T.N.H (16 tuổi, tại đường Trần Phú) và nhóm học sinh trong đó có L.H.T (15 tuổi, tại đường Nguyễn Tri Phương) hẹn đánh nhau. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, các bên hẹn nhau ở cánh đồng cuối đường Trần Phú. Lúc này, có hai đối tượng đi xe máy tới cầm dao, rựa lao vào đánh và chém em H vào các vị trí gáy, lưng và cùi chỏ tay trái. Người dân đã đưa em H tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, ngày 3/11, sau giờ tan học, một nam học sinh của Trường Trung học Cơ sở Hùng Vương bị nhóm học sinh của hai trường khác (cùng địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột) chặn đánh. Có ít nhất 5 nam sinh ép nạn nhân vào tường và liên tiếp dùng mũ bảo hiểm, tay đánh, chân đá vào mặt, vào đầu nạn nhân.
Theo thống kê, từ đầu năm học 2023 - 2024 đến cuối tháng 11/2023, địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 6 vụ bạo lực học đường với 19 học sinh liên quan. Đáng lo ngại, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở lứa tuổi học sinh Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở mà còn ở cấp Tiểu học. Không riêng nam sinh, các nữ sinh cũng tham gia bạo lực học đường với nhiều hành vi như: Dùng từ ngữ thô tục, chửi rủa, đánh nhau, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người khác…
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng về mức độ và độ nguy hiểm. Đây là thực tế đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo lực học đường như: Do tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, các em vẫn đang trong độ tuổi phát triển nhận thức, có tính hiếu động; nhiều gia đình ảnh hưởng xấu đến học sinh trong quá trình học tập; nhiều nhà trường còn bất cập trong quá trình thực hiện triển khai các nhiệm vụ giáo dục. Ngoài ra, theo ông Đỗ Tường Hiệp, trong thời đại công nghệ 4.0, sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội đã ảnh hưởng mạnh, trực tiếp tới lứa tuổi trước vị thành niên dẫn đến các hành vi bạo lực học đường.
Hướng học sinh đến tình bạn đẹp
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, vẫn diễn ra, thậm chí đã có biểu hiện khác so với bạo lực học đường trước đây. Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, các cấp, ngành cần có những giải pháp tổng thể. Đây là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội.
Trường Trung học Cơ sở Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột) vừa tổ chức Hội thi "Tuyên truyền măng non" cho các em học sinh tham gia. Đây là hoạt động để các em được thể hiện quan điểm, đóng góp tiếng nói của mình vào những chủ đề đang được quan tâm.
Em Đỗ Minh Anh (học sinh lớp 8A2, Trường Trung học Cơ sở Tân Lợi) cho biết, bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn. Thời gian qua, nhà trường đã có nhiều chương trình tuyên truyền cho học sinh về tình bạn đẹp. Các bạn học sinh đều rất hưởng ứng. Qua đó, các bạn biết xây dựng tình bạn đẹp hơn, học sinh gắn kết với nhau.
“Vừa qua, em và các bạn trong lớp tham gia Hội thi "Tuyên truyền măng non" với chủ đề xây dựng tình bạn đẹp. Hoạt động này giúp đẩy lùi bạo lực học đường, nâng cao giá trị tình bạn đẹp, góp phần xây dựng môi trường học đường hạnh phúc”, em Đỗ Minh Anh chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Lợi, để ngăn chặn bạo lực học đường, nhà trường đã xây dựng nhiều giải pháp như: Tuyên truyền dưới sân cờ, thông qua các tiết ngoại khóa… để các em hiểu, tạo mối đoàn kết, cùng nhau ngăn chặn vi phạm bạo lực học đường. Đồng thời, các thầy, cô giáo cũng giúp học sinh xây dựng tình bạn đẹp, khi các em hiểu được tình bạn đẹp thì sẽ hạn chế mâu thuẫn và không có tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, nhà trường tăng cường sự phối hợp với gia đình và cơ quan, ban, ngành để hạn chế bạo lực học đường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những bất ổn về tâm lý của học sinh.
Nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn nạn bạo lực học đường, Công an các địa phương của tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền tại các trường học. Thượng úy Vũ Thị Mỹ Duyên, Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, tại các buổi tuyên truyền, đơn vị đã có những dẫn chứng cụ thể các vụ việc xảy ra liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường; tuyên truyền cho học sinh về những hình phạt, quy định pháp luật của Bộ luật hình sự liên quan đến tội cố ý gây thương tích, tội giết người... nhằm răn đe và nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của học sinh, giúp các em tránh xa bạo lực học đường.
Để tránh được tình trạng bạo lực học đường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, ngành Giáo dục tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh trong công tác phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường vào qua các hoạt động giáo dục như: Tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, thành lập các câu lạc bộ, sân chơi... Bên cạnh đó, mỗi nhà trường có bộ quy tắc ứng xử văn hóa phù hợp với điều kiện của từng trường, văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, ông Đỗ Tường Hiệp cho rằng, cần nêu cao vai trò của người đứng đầu các nhà trường trong việc nâng cao ý thức về phòng, chống bạo lực học đường, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình.