Bên cạnh nhiều chỗ học ở trường tư thục, giáo dục thường xuyên, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở với mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp bậc học này sẽ vào học nghề, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học nghề. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết phản ánh về vấn đề này.
Bài 1: Lựa chọn hướng học tập phù hợp
Dù chỉ là lựa chọn sau cùng, nhưng với những học sinh không trúng tuyển trong Kỳ thi tuyển lớp 10 công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hướng để tiếp tục con đường học vấn của mình. Trong năm học 2023 - 2024, hệ thống các trường Trung học Phổ thông ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, trường nghề tại Thành phố có khả năng tiếp nhận hơn 50.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học các hình thức, bậc học khác nhau.
Trên 19.000 học sinh không có suất vào lớp 10 công lập
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua có khoảng 96.000 thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ gần 77.000 em. Vì chỉ tiêu có hạn, khoảng 19.000 học sinh đã không thể có suất lớp 10 công lập. Năm nay Thành phố có trên 17.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở không tham gia thi tuyển lớp 10 công lập. Trong số đó, rất nhiều em đã chủ động lựa chọn hình thức học phù hợp với năng lực của mình cũng như điều kiện gia đình, để không phải đối mặt với những căng thẳng từ kỳ thi. Đó là học trường tư thục, học hệ giáo dục thường xuyên, học nghề, không ít học sinh đi du học.
Việc đăng ký nguyện vọng thi tuyển lớp 10 công lập không bị phân tuyến theo địa bàn, khu vực, học sinh có thể đăng ký thi tuyển vào các trường phù hợp. Thực tế cho thấy, mức độ cạnh tranh ở các trường Top trên, trường khu vực nội thành luôn ở mức cao bởi lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đông. Ngược lại, các trường ở khu vực ngoại thành khá “dễ thở” về tỷ lệ “chọi”, thậm chí có trường còn không tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này thể hiện khá rõ ở điểm chuẩn của các trường.
Như mọi năm, năm nay điểm chuẩn lớp 10 cao nhất Thành phố vẫn là Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) với 25,5 điểm. Tiếp đến là Trường Trung học Phổ thông Gia Định (Quận Bình Thạnh) 24,5 điểm; Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) 24,25 điểm; Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) 23,75 điểm; Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) 23,5 điểm.
Ngược lại, nhóm các trường có điểm chuẩn thấp chủ yếu ở khu vực ngoại thành. Trong đó, 4 trường ở huyện Cần Giờ, một trường ở huyện Bình Chánh, hai trường ở huyện Củ Chi đều cùng mức điểm chuẩn 10,5 điểm - mức thấp nhất của Thành phố.
Số lượng chỉ tiêu có hạn trong khi học sinh đông khiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay trở nên căng thẳng với nhiều gia đình, áp lực với nhiều học sinh. Nhiều ý kiến còn so sánh áp lực của kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập của Thành phố còn cao hơn cả kỳ tuyển sinh Đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh 10 công lập hằng năm tại Thành phố không đáp ứng được tất cả nhu cầu của người học. Thực tế này không chỉ do thiếu trường lớp mà việc giảm tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập còn hướng đến thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương chung về phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở đi học nghề. Thực hiện chủ trương này, Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh bậc Trung học Cơ sở để học sinh sớm có định hướng phù hợp sau khi tốt nghiệp. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập là một đợt khảo nghiệm để các em đánh giá lại năng lực của mình, từ đó có thể lựa chọn hướng đi phù hợp hơn.
Không thiếu chỗ học
Sau khi có điểm chuẩn, cháu chị X.A (quận Bình Thạnh) nhận kết quả không trúng tuyển ở cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh. Chị X.A cho biết, với kết quả thi chỉ 11 điểm, cháu không có cơ hội vào trường công lập như mong muốn. Nỗi buồn thi rớt chưa hết, gia đình cháu lại căng thẳng trong việc chọn hình thức nào để cháu tiếp tục học. Dù biết có nhiều hướng để lựa chọn, nhưng thực tế học trường tư thục thì học phí khá cao so với điều kiện kinh tế gia đình; học nghề là hướng gia đình chưa từng nghĩ tới bởi lứa tuổi cháu chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Chuyện không chỉ của riêng gia đình chị X.A, đó là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi con không vào được lớp 10 công lập sau kỳ thi tuyển sinh vừa qua.
Mặc dù không giành được suất trong cuộc đua vào lớp 10 công lập, nhưng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, khoảng 19.000 em học sinh này vẫn còn nhiều cơ hội lựa chọn ở những hình thức học tập khác nhau. Bởi, hệ thống ngoài công lập tại Thành phố có khả năng tiếp nhận trên 50.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học. Các trường này xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả học tập Trung học Cơ sở.
Cụ thể, ở khối các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế tại Thành phố có tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 đến trên 30.000 em. Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm (thành phố Thủ Đức) là một trong những trường có chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cao nhất Thành phố với hơn 1.300 chỉ tiêu. Ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay, Trường đã tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Trường xét tuyển học bạ với một số yêu cầu về hạnh kiểm và lực học. Cùng với đó, điểm thi tuyển lớp 10 công lập cũng là một trong những tiêu chí để trường tham khảo trong xét tuyển. Với những học sinh có điểm thi lớp 10 dưới 10 điểm, Trường sẽ cân nhắc thêm những yếu tố khác, tùy từng trường hợp. Theo công bố của nhà trường, mức học phí khối lớp 10 ngoại trú là 3,5 triệu đồng/tháng, bán trú khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, nội trú khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.
Khối giáo dục thường xuyên của Thành phố có chỉ tiêu tuyển sinh trên 11.000 học sinh lớp 10. Với lợi thế về mức học phí cũng như chương trình học, hằng năm, khối này thu hút khá nhiều người học. Năm học 2023 - 2024, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An tuyển sinh 450 chỉ tiêu lớp 10 theo hình thức xét tuyển. Theo đó, đối tượng xét tuyển là học sinh đã tốt nghiệp Trung học Cơ sở có năm sinh 2008, 2007 có phiếu điểm thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Nếu các em không thi tuyển lớp 10 công lập, cuối năm lớp 9, học lực phải đạt từ Trung bình và hạnh kiểm phải đạt từ loại Khá trở lên. Học sinh theo học văn hóa tại Trung tâm sẽ được học miễn phí các lớp trung cấp nghề. Nghề nghiệp được đào tạo khá đa dạng để học sinh lựa chọn. Đạt yêu cầu sau khi học xong chương trình, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông và bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề.
Riêng hệ đào tạo nghề, trung cấp, toàn Thành phố sẽ tuyển sinh khoảng 9.600 chỉ tiêu lớp 10 ở các trường trung cấp nghề. Dù không thiếu chỗ học nhưng việc học ở hệ thống ngoài công lập với các em học sinh sau Trung học Cơ sở vẫn còn những rào cản nhất định; đó là học phí trường tư thục khá cao, đó là vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, không muốn học nghề.
Theo các chuyên gia hướng nghiệp, dù không thể vào trường công lập, các em vẫn có nhiều hướng đi, nhiều cơ hội khác để đi đến thành công. Điều quan trọng với các bạn trẻ, ở độ tuổi này là biết khám phá bản thân để tìm ra định hướng phù hợp. Yếu tố phù hợp ở đây được đánh giá dựa trên cả năng lực học tập lẫn điều kiện kinh tế gia đình. Trong đó, ngoài học tư thục hoặc giáo dục thường xuyên, học nghề cũng là một trong những hướng đi các em nên cân nhắc lựa chọn.
Bài cuối: Khởi nghiệp từ trường nghề