Để giúp học sinh “học đi đôi với hành”, trong những năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học ở các trường THPT. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh thành phố đã đạt được những thành tựu lớn cả trong và ngoài nước.
Từ thực tế cuộc sống
Chỉ với mùn cưa, đất sét và keo bạc nano - những vật liệu rất dễ tìm trong cuộc sống, nhóm học sinh Nguyễn Thiện Thành, Huỳnh Đức Tài và Lê Anh Thư (lớp 12 trường THPT Trần Khai Nguyên, TP Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu ra hệ thống xử lý nước sạch rất có ích cho cuộc sống và có khả năng áp dụng vào thực tiễn. Chính vì thế, đề tài "Ứng dụng công nghệ keo bạc nano và lõi lọc xốp từ đất sét, mùn cưa để thiết kế hệ thống xử lý nước ngầm quy mô hộ gia đình" của nhóm đã đoạt giải nhì cấp quốc gia trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THPT 2014.
Đề tài "Ứng dụng công nghệ keo bạc nano và lõi lọc xốp từ đất sét, mùn cưa để thiết kế hệ thống xử lý nước ngầm quy mô hộ gia đình" của nhóm học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên được đánh giá cao về tính thực tiễn. |
“Lâu nay người dân các khu vực ngoại thành thành phố phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo từ kênh rạch, giếng khoan bị nhiễm phèn, kim loại nặng... Do không có điều kiện để trang bị máy lọc nước, nên mọi người phải đi mua từng can nước sạch rất tốn kém. Bản thân gia đình nhà em và gia đình một số bạn khác cũng đang phải sử dụng một phần nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, không đủ chất lượng, nên nhóm em đã quyết tâm triển khai đề tài này”, Nguyễn Thiện Thành, trưởng nhóm chia sẻ.
Qua nhiều lần nghiên cứu, nhóm học sinh của trường Trần Khai Nguyên đã đưa ra giải pháp lọc nước bằng lõi lọc từ đất sét và mùn cưa bằng cách trộn đất sét với mùn cưa theo tỷ lệ để tạo gốm và nung ở nhiệt độ khác nhau. “Tính mới của đề tài là lõi lọc đất sét sử dụng chất hữu cơ là mùn cưa làm chất độn để tạo các lỗ xốp trong đất sét. Mùn cưa là chất tạo xốp được tận dụng từ phế thải, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe so với chất độn hữu cơ từ hóa chất", Thành cho biết.
Huỳnh Đức Tài cũng kể, để thực hiện được đề tài này, nhóm phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức. Những kiến thức trong nhà trường không đủ để có thể nghiên cứu thực hiện đề tài, nên các em phải đọc rất nhiều sách, báo và nhờ sự chỉ dẫn của thầy cô cũng như các anh chị đi trước. Những ngày đầu thực hiện đề tài rất gian nan. Để tìm nguồn đất sét và nơi nung đất sét, cả cô và trò phải xuống tận Bình Dương để tìm hiểu quy trình nung đất sét, hay những lần phải chạy đôn chạy đáo đi xét nghiệm, kiểm tra mẫu nước ở Viện Công nghệ hóa học TP Hồ Chí Minh. Rồi nhiều lần thất bại trong thử nghiệm... Thế nhưng, khi nghĩ tới lợi ích của đề tài đang nghiên cứu, các bạn lại tự an ủi nhau và quyết tâm thực hiện cho đến cùng.
Một đề tài khác cũng mang tính thực tiễn cao và đạt giải nhì trong cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THPT 2014, đó là đề tài "Phân lập và ứng dụng một số chủng nấm sợi, nấm men và vi khuẩn trong tự nhiên để xử lý dầu nhớt thải" của nhóm ba cô gái Nhữ Mai Anh, Dương Huỳnh Hồng Minh và Trần Tố Uyên (học sinh lớp 11 chuyên Anh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Đây là một trong hai đề tài của TP Hồ Chí Minh được chọn tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh THPT, tổ chức vào tháng 5 này, tại Los Angeles (Mỹ). “Với đề tài này, nhóm mong muốn làm giảm hàm lượng nước thải trong đất và nước. Việc thực hiện xử lý nhớt thải trong đất và nước ngọt bằng vi sinh rất đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và thời gian xử lý ngắn”, Mai Anh chia sẻ.
Hai đề tài trên nằm trong 9 đề tài của học sinh thành phố, đạt giải cao trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2014. Những năm trước, học sinh TP Hồ Chí Minh cũng có đề tài đạt giải cao trên thế giới, như đề tài "Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia" của nhóm học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từng đạt giải 4 tại Hội thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel ISEF 2013 tại Mỹ.
Sân chơi bổ ích
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học là một sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em áp dụng được những kiến thức đã học vào trong cuộc sống và tạo sự tự tin, tìm tòi, sáng tạo. Cũng từ sân chơi này, nhà trường đã phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan. Không những thế, nghiên cứu khoa học trong nhà trường còn là một trong những nội dung được đẩy mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.
Còn ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc nghiên cứu khoa học phải được chú trọng ngay trong độ tuổi học trò, có như vậy mới có cơ sở xây dựng và phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Để tạo hứng thú cho các em tham gia sân chơi bổ ích này, theo ông Tiến, cần phải có một số giải pháp hỗ trợ cụ thể như: Khuyến khích các em tham gia nghiên cứu khoa học bằng những chính sách, chủ trương cụ thể; đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh phương pháp nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhanh chóng hỗ trợ, đưa vào cuộc sống những dự án khả thi của học sinh.
Để những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh được áp dụng vào thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã chuyển một số đề tài đạt giải cao qua Sở Khoa học - Công nghệ để thẩm định và đánh giá tính hiệu quả của đề tài. Từ sự đánh giá này, Sở Khoa học - Công nghệ sẽ chuyển về các ngành liên quan để tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, phát triển đề tài để ứng dụng vào thực tiễn.
Đây là năm thứ ba liên tiếp TP Hồ Chí Minh có những đề tài được đánh giá cao và được chọn đi thi tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ. Năm nay, thành phố có 9 đề tài đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2014, trong đó có 2 đề tài được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel Isefl) tại Mỹ sắp tới. |
Bài và ảnh: Đan Phương