Khẳng định vai trò quan trọng của việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn công bố chuẩn đầu ra, nhưng sinh viên ra trường có đạt chuẩn hay không đang là câu hỏi khó trả lời, vì không có thước đo chung về chuẩn ngành, năng lực phải đạt tối thiểu của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo các chuyên gia, chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo được thực hiện ở các trình độ khác nhau, phụ thuộc vào các chuẩn mực chung tối thiểu đối với từng ngành đào tạo. Việc đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp, với các bộ ngành, các chuyên gia và với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đại học.
GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Khung trình độ quốc gia Việt Nam nên triển khai đồng thời ở tất cả các ngành, thuộc các lĩnh vực khác nhau, bởi mỗi lĩnh vực sẽ làm việc độc lập, trở thành công cụ để kiểm soát các trường yếu.
Còn bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Lộ trình thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam là đến năm 2021, hoàn thành xây dựng chuẩn đẩu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực: Sức khỏe, Kỹ thuật, Kế toán - Tài chính, Du lịch, Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên; đến năm 2022 hoàn thành báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung trình độ ASEAN; đến năm 2023 hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại; đến năm 2025 các cơ sở giáo dục đại học hoàn thành rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu liên quan triển khai xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra.
Bộ GD&ĐT hiện đã hoàn thành dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu chung đổi mới hoạt động đào tạo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở.