Học sinh Nguyễn Huyền Anh, lớp 12B1, THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Thầy cô cần lắng nghe học sinh nhiều hơn
Những năm ngần đây, liên tiếp bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà giữa thầy cô với học sinh. Em không đồng tình việc giáo viên sỉ nhục hay đánh học sinh. Những việc làm như vậy chỉ khiến các bạn trở nên khó bảo hơn. Thậm chí, nếu giáo viên chỉ áp đặt sẽ khiến một vài học sinh cá biệt thù hằn.
Bản thân em chưa bao giờ bị phạt quỳ, nhưng em có thể hiểu phần nào những bức xúc của giáo viên đối với học sinh cá biệt. Ví dụ, có những học sinh được giáo viên nhắc rất nhiều lần nhưng biểu hiện lại nhởn nhơ, cười cợt, điều đó càng kích thích sự tức giận của thầy cô. Đôi khi em tự đặt mình vào hoàn cảnh của thầy cô, rằng “cáu lắm” nhưng không thể “phát” ra được. Em từng chứng kiến cô chủ nhiệm vì cảm thấy uất ức với học sinh mà khóc giữa lớp.
Ở trường em, nếu học sinh vi phạm kỷ luật có 3 mức kỷ luật. Lần 1, với các lỗi nhỏ như đi học muộn, không làm bài… các thầy cô nhắc nhở nhẹ nhàng. Lần 2, tái phạm, học sinh phải gặp cô chủ nhiệm. Lần 3, tiếp diễn lỗi và có những hành vi không hợp tác, thầy cô sẽ mời phụ huynh đến nói chuyện. Tiếp đó, nếu học sinh biến chuyển theo hướng tích cực thì dừng ở đó. Nhưng nếu học sinh tiếp tục vi phạm kỷ luật và không phối hợp, giáo viên chủ nhiệm chuyển tới phòng tư vấn tâm lý học đường. Mức cao nhất là giáo viên chủ nhiệm chuyển học sinh tới ban giám hiệu. Bản thân em từng trải qua 3 mức độ. Cũng có lúc cô phạt làm bài tập sau giờ học hoặc chạy quanh sân trường…
Trường em học là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh cá biệt. Đây là điểm khác biệt với nhiều trường khác ở Hà Nội. Có lẽ cũng vì thế trường có phòng tư vấn tâm lý học đường. Nhưng đây là điều em thấy may mắn, bởi phòng tư vấn học đường đã hỗ trợ được chúng em rất nhiều: Là nơi mà chúng em có thể chia sẻ những phân vân khi chọn ngành, nghề; Nơi chúng em chia sẻ những vướng mắc từ gia đình, bạn bè hoặc xung đột với chính giáo viên bộ môn khác. Phòng tư vấn có 3 thầy cô luôn luôn xuất hiện khi chúng em cần. Đôi khi, có những bạn đến đây chỉ kể chuyện của mình cho thầy cô nghe rồi về. Em mong trường phổ thông nào cũng có phòng tư vấn học đường để thầy cô nghe học sinh nói nhiều hơn.
Cô Nguyễn Thị Trinh, giáo viên dạy Toán, THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Áp lực lớn nhất đối với giáo viên là sự kiên trì, bền bỉ với học trò
Tôi có 10 năm trong nghề, có 5 năm làm việc tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ngay khi về trường tôi được tham gia lớp tập huấn về kỷ luật tích cực với học sinh. Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng có xuất phát điểm khác với các trường trên địa bàn. Xuất thân của học sinh có nhiều hoàn cảnh khác biệt. Nếu áp dụng kỷ luật cứng nhắc, mục tiêu giáo dục không đạt hiệu quả.
Với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy, phương châm của tôi là đặt giáo dục nhân cách con người lên hàng dầu. Dựa vào mỗi lứa tuổi học sinh, mỗi em, tôi sẽ làm theo trình tự. Ví dụ, tất cả các lỗi vi phạm của học sinh không phải tự nhiên mà mắc lỗi. Nên tôi phải tìm hiểu nguyên nhân trước khi áp dụng kỷ luật. Riêng học sinh mới đến phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em trước. Khi tạo được sự tin tưởng đối với học sinh thì thầy cô sẽ nhận được chia sẻ. Nhưng có những học sinh giáo viên không tiếp cận được bởi các em cảm thấy không an toàn, còn thu mình, đặc biệt với học sinh mới đến. Với những em này, giáo viên phải tìm hiểu thông qua bạn bè, gia đình. Nếu giáo viên tiếp cận, phân tích được với học sinh sẽ có những thoả thuận cùng với các em, gia đình. Nhưng sau bước này giáo viên không tác động được, giáo viên chuyển lên phòng tư vấn học đường, ban giám hiệu.
Giảng dạy ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng được tiếp cận khá nhiều trường hợp học sinh “chưa ngoan”. Tôi đã trải qua nhiều tình huống khác nhau. Nhưng gần đây nhất là việc thuyết phục một học sinh đi học mà tôi phải mất 1 năm. Học sinh này học lớp 12 và không muốn đi học tiếp do hoàn cảnh gia đình: Ông bà nằm viện, hai em nhỏ đi học, một mình mẹ chèo trống gia đình. Em này nghĩ rằng nên nghỉ học để đi làm. Tuy nhiên, mẹ em vẫn đề nghị với trường là cho em học để được tốt nghiệp lớp 12. Em này khi đến lớp chỉ ngủ, hoặc bỏ học thường xuyên. Tôi dùng rất nhiều giải pháp mềm dẻo. Đó là, khi em ấy chưa đến lớp, tôi luôn để lại tin nhắn với phụ huynh: “Con chưa đến bác nhé”. Có hôm thấy em đến muộn, dù trong lòng tức lắm nhưng tôi vẫn hỏi trước: “Con đến rồi à. Con vào lớp đi”. Hoặc có hôm thấy con tôi chủ động hỏi: “Sao nay con đến muộn thế”, thì con bảo “Con đau bụng”, tôi nhẹ nhàng :“Con đỡ đau rồi thì vào lớp học nhé”.
Nhưng vì học sinh này nghỉ học nhiều, tôi buộc phải đình chỉ, mời phụ huynh đến nói chuyện. Hay việc học sinh này không chịu nộp học phí. Có kỳ tôi buộc phải ứng tiền của mình ra để nộp. Có kỳ học, chính tôi xin với nhà trường cho em ấy nộp muộn. Nhưng có thời điểm tôi cũng mệt mỏi vì nhiều cách rồi mà không chuyển biến. Lúc ấy, tôi nói: “Con suy nghĩ kỹ đi. Con tiếp tục học tiếp không. Đó là quyết định của con, cô và mẹ cố hết sức rồi”. Lúc này, tôi để cho học sinh được suy nghĩ. Đồng thời, tôi chuyển em ấy tới các thầy cô phòng tư vấn học đường. Biết đâu tới đây, em ấy chia sẻ được nhiều hơn. Bản thôi tôi bỏ bẵng đi một thời gian không nói với em ấy nữa.
Nhưng sau đó, tôi thấy học sinh ấy đi học đúng giờ. Giờ dạy Toán của tôi, học sinh chịu vào ngồi làm bài tập. Có hôm thấy em ấy ngủ gục tôi đến hỏi thì em nói buồn ngủ, tôi bảo: “Con đi rửa mặt cho tỉnh” hay “Con chống đẩy đi rồi vào học”. Phải khẳng định để thay đổi được những học sinh này như mong muốn là chưa được. Nhưng các em đã có những động thái tích cực là mừng rồi. Còn có những học sinh, thầy cô đã kiên trì mãi nhưng không tác động được.
Tôi cho rằng đánh giá một đứa trẻ đang lứa tuổi bồng bột, thay đổi tâm sinh lý cần sự giáo dục mềm dẻo. Khi đã chạm được vào trái tim “đứa trẻ hư” thì các con lại rất tình cảm. Do đó, với nghề giáo và ứng xử với học sinh và học sinh cá biệt nói riêng cần sự kiên trì. Nếu làm được điều này mới đứng lớp được. Đây chính là kỷ luật tích cực mà ngay từ khi bước vào nghề tôi đã xác định, để có thể gắn bó với nghề giáo- nghề không chỉ dạy kiến thức mà còn giáo dục nhân cách cho các em.
Cô Phạm Thị Ngọc, giáo viên Ngữ Văn, THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội: Giáo viên cần chấp nhận những lỗi cơ bản của học sinh
Trong khoảng thời gian vừa qua nổi lên hàng loạt bạo lực học đường, đặc biệt là bạo hành giữa thầy cô với học trò. Những vụ bạo hành không phải bây giờ mới có. Những thế hệ trước, bản thân tôi thấy nhiều nhưng nay với sự phát triển của mạng xã hội, thời đại công nghệ số, nhiều người biết tới.
Trước hết, ai là giáo viên cũng từng trải qua thời học sinh và từng mắc lỗi. Tôi nhận thấy, học sinh mắc lỗi cơ bản như: không tập trung, không làm bài tập, đi học muộn, không mặc đồng phục là phổ biến với lứa tuổi tâm sinh lý. Việc các con mắc lỗi đang là một phần quá trình trưởng thành. Giáo viên cần chấp nhận những lỗi cơ bản này như một quá trình trong việc hoàn thiện việc học tập của học sinh. Có như vậy, bản thân mỗi giáo viên mới không bị quá áp lực.
Tôi thấy rằng, chuyện học sinh chưa làm bài tập hay đi học muộn, sử dụng điện thoại… lớp nào, trường nào cũng có. Câu chuyện lặp đi lặp lại, vấn đề là nhiều hay ít ở mỗi học sinh. Không nên chỉ qua sự việc đã đánh giá nhân cách của học trò. Lúc này giáo viên sẽ hướng dẫn, giúp học sinh năng lực phân biệt hành vi nên hay không nên. Giáo viên cần như người đồng hành, chia sẻ thì không xảy ra xung đột.
Giáo viên cần hiểu lứa tuổi đang đến trường là khoảng thời gian hoàn thiện về tâm sinh lý. Tất cả những điều này giáo viên đều đã được học trong trường sư phạm cũng như được tập huấn khi mới vào nghề. Là một giáo viên trẻ, tôi từng tham gia những hội thảo, đợt tập huấn về các khoá kỹ năng quản lý cảm xúc, giáo dục tích cực. Tôi coi đây là chìa khoá để tiết chế bản thân cũng như là định hướng để kỷ luật tích cực. Việc áp đặt học sinh đã quá lạc hậu. Mà giáo viên thời nay hãy là người đồng hành, chia sẻ kiến thức và dẫn dắt học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.