Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi có nhiều câu hỏi thú vị

Sáng 27/6, các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với ba môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút (không kể thời gian nghỉ giữa các môn thi).

Đề thi có nhiều câu hỏi thú vị

 

Chia sẻ sau buổi thi bài Tổ hợp Khoa học Xã hội tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trung học Phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi cả 3 môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân năm nay có nhiều câu hỏi thú vị, mức độ không quá khó, vừa sức với thí sinh. Trong 3 môn, các thí sinh cho rằng dễ nhất là đề thi môn Địa lý, còn đề thi môn Lịch sử và Giáo dục công dân hơi dài. Hầu hết các thí sinh làm tốt khoảng 60 - 70% tổng số câu hỏi của mỗi môn.

 

Thí sinh Phương Du dự thi tại điểm thi Trung học cơ sở Đống Đa (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội khá dễ. Đối với môn Địa lý chỉ cần sử dụng Atlat là có thể làm được trên điểm liệt. Còn môn Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi ứng dụng thực tiễn khá hay phù hợp với học sinh. Riêng môn Lịch sử khá khó, có một số câu hỏi ngoài, nâng cao và khá chi tiết nên học sinh chịu khó nghe giảng, đọc thêm ở ngoài thì có thể làm tốt.

 

Chú thích ảnh
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên, tỉnh An Giang phấn khởi trao đổi sau khi hoàn thành bài thi Khoa học Xã hội. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

 

Theo đánh giá của cô Lê Thị Hải Anh, Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường Trung học Phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), với môn Địa lý mã đề 302, cấu trúc đề thi giống với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài những câu hỏi với kiến thức cơ bản, đề thi còn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng vận dụng và tư duy liên hệ kiến thức địa lý. Các câu hỏi trong đề thi rõ ràng, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình đã học và không đánh đố học sinh.

 

Nhìn chung, đề thi năm nay theo đúng tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và đảm bảo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Riêng về kỹ năng thực hành, có 11 câu thuộc phần khai thác Atlat Địa lý, đọc phân tích nhận xét bảng số liệu 2 câu và nhận diện dạng biểu đồ 2 câu. Đối với học sinh được ôn luyện kỹ thì các kỹ năng nhận biết như: Khai thác Atlat không quá khó. Chỉ cần học sinh đọc kỹ câu hỏi và tìm đúng trang Atlat là có thể trả lời được.

 

Đối với các câu hỏi nhận xét, phân tích bảng số liệu nhận diện biểu đồ, ngoài kỹ năng tính toán, học sinh phải có tư duy liên hệ với kiến thức về Địa lý. Về lý thuyết, đề thi có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng dần. Kiến thức bao quát cả lớp 11 và lớp 12. Tuy nhiên, đề hơi dài, do đó học sinh phải biết kỹ năng đọc hiểu và tổng hợp kiến thức mới có thể làm trọn vẹn.

 

Về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, đề thi đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi 2 trong 1. “Cấu trúc đề thi giống đề thi minh họa nhưng có phần khó hơn, trong đó có 60% câu hỏi là của phần nhận biết và thông hiểu; số còn lại là câu vận dụng. Tuy nhiên, phần vận dụng tương đối khó khi phần nhiều là các câu hỏi vận dụng cao. Học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản mới có thể làm tốt các câu vận dụng này”, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.

 


Đề thi môn Lịch sử khá khó

 

Ghi nhận tại điểm thi trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đa số thí sinh đều cho rằng đề thi môn Lịch sử khó nhất trong ba môn thi. Thí sinh Huyền Trang chia sẻ: Đề thi Lịch sử của em toàn bộ là kiến thức về lịch sử Việt Nam, giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ. Đề Lịch sử khó nhất còn đề thi Địa Lý và Giáo dục công dân thì bình thường. Em chỉ mong đạt đủ điểm tốt nghiệp.

 

Em Nguyễn Long Thành, học sinh trường Trung học Phổ thông Việt Nam – Ba Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nội dung đề thi môn Lịch sử không giống so với những nội dung em đã được ôn luyện. Khi đọc đề xong em khá hoang mang. Trong ba môn thi hôm nay, đề thi môn Lịch sử khó nhất còn môn Giáo dục công dân dễ hơn.

 

Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Long Xuyên (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) thí sinh Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, đề thi môn Lịch sử năm nay khá khó và nhiều kiến thức nâng cao, nhiều câu đòi hỏi thí sinh phải tư duy, xâu chuỗi các sự kiện mới có thể làm được. Bản thân em chỉ làm được khoảng 60% đề thi.

 

“Với môn Lịch sử, những học sinh học không có kiến thức xã hội tốt để vận dụng, chỉ chăm chăm học thuộc lòng sẽ làm bài không tốt” – thí sinh Vũ Thái Phong, Trường Trung học Phổ thông Marie Currie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

 

Dự thi tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Lê Thị Hồng Gấm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), thí sinh Đinh Viết Triệu cho rằng, môn Lịch sử có kiến thức khá dàn trải, bao quát chương trình và có những chi tiết rất nhỏ nên khó nhớ. Em dự đoán, môn Lịch sử em được từ 4-5 điểm, hai môn còn lại chắc điểm sẽ cao. Tương tự, em Nguyễn Thị Kim Trang, học sinh Trường Trung học Phổ thông Lê Thị Hồng Gấm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, đề thi môn Lịch sử khó nhất và em chỉ làm được điểm trung bình, hai môn còn lại điểm sẽ cao.

 

Với môn Lịch sử, cô Lê Thị  Mỹ Dung, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) nhận xét, trong 40 câu có 8 câu là kiến thức lớp 11, đảm bảo tỷ lệ 20%, đều là phần kiến thức cơ bản và học sinh đã được ôn tập. Các câu còn lại nằm toàn bộ ở phần kiến thức lớp 12. Với việc lần đầu tiên học sinh phải thi cả phần kiến thức lớp 11 trong đề thi, học sinh buộc phải học nghiêm túc, biết khái quát kiến thức một cách cơ bản và có hệ thống, không thể học lệch, học tủ.

 

Đặc biệt, đề thi năm nay, học sinh chỉ cần hiểu bản chất các sự kiện lịch sử, các vấn đề lịch sử mà không cần phải ghi nhớ một cách máy móc các ngày tháng, mốc thời gian là đã có thể làm tốt bài thi. Do đó, học sinh dễ dàng đạt từ 5 - 6 điểm. Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt. Với cách ra đề như năm nay, về cơ bản có sự phân hóa rất tốt, chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực.

 

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, nhiều giáo viên môn Lịch sử đánh giá đề khá hay, bám sát nội dung sách giáo khoa, cấu trúc gần giống đề thi minh họa của Bộ. Các câu chủ yếu là lịch sử Việt Nam. Đề thi có phần “dễ thở” với thí sinh, không có nhiều câu hỏi đánh đố hoặc “bẫy” thí sinh.

 

Nhóm phóng viên TTXVN tại địa phương
'Đột nhập' vùng cấm của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018
'Đột nhập' vùng cấm của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chính thức kết thúc với môn thi cuối cùng của tổ hợp Khoa học xã hội vào lúc 10h30. Cùng lúc đó, tại một địa điểm “bí mật”, các giáo viên, cán bộ giáo dục được phân công công tác in sao đề thi, lực lượng an ninh bảo vệ mới hoàn thành các thủ tục cuối cùng và được rời khỏi khu vực bảo mật, cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN