Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng để ngành đánh giá đúng tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở đó thống nhất đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm học 2023-2024; làm cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và đào tạo được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục đang thiếu cả cơ sở vật chất lẫn con người. Vì vậy theo Bộ trưởng, năm học 2023-2024, ngành sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế, tạo bước tiến lớn về thể chế và chính sách. Bộ trưởng cũng yêu cầu, năm học mới 2023-2024 là năm học mang tính bứt phá trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành cần dồn lực để vượt qua những khó khăn, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp; yêu cầu đổi mới theo chiều sâu, ở từng môn học, ở phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá...
Cùng với đó, ngành quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường; phòng, chống bạo lực học đường, trang bị kỹ năng cho giáo viên trong giải quyết bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện, không gây bức xúc trong xã hội…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, nhìn chung sẽ ổn định. Tuy nhiên, cũng tính toán để là bước đệm, dự lệnh cho những thay đổi trong Kỳ thi từ năm 2025. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng yêu cầu cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học (lớp 1, lớp 2, lớp 3); cấp Trung học cơ sở (lớp 6, lớp 7); cấp Trung học phổ thông (lớp 10). Bộ đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tiếp tục được diễn ra, đảm bảo nghiêm túc, an toàn. Phổ điểm năm nay tương đối ổn định so với hai năm trước, kết quả thi phản ánh kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền, khách quan cho công tác xét tuyển vào đại học.
Đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay, góp phần quan trọng cho việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026 và hướng dẫn địa phương tuyển dụng, sử dụng theo đúng quy định...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023. Đó là vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở một số địa phương còn bất cập. Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho việc thay đổi tổ hợp và chuyển trường của học sinh lớp 10 năm nay gặp nhiều trở ngại.
Cùng với giáo dục phổ thông, chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế do chất lượng đầu vào thấp, một bộ phận học viên chưa có ý thức học tập. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh còn chưa chủ động, chưa thực chất...
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương cũng tập trung thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm, cơ hội, thách thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện đổi mới giáo dục-đào tạo, đặc biệt là trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2023-2024.