Tiếp nối những thành công đó, năm 2019, Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) lần thứ 16 tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hội Toán học Hà Nội tổ chức nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng tài năng Toán học, tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ, trao đổi kiến thức thực hành Toán học và hơn hết là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa học sinh, giáo viên Việt Nam cùng bạn bè các nước trên thế giới.
Hun đúc tình yêu Toán học
Tham gia Kỳ thi HOMC 2019 tại bảng B lứa tuổi Senior, em Hoàng Nghĩa Hiệp, lớp 10C1, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, ngay từ khi còn đang học ở cấp trung học cơ sở, em đã biết về kỳ thi và luôn ao ước sẽ có ngày được tham dự. Để đạt mục đích đó, Hoàng Nghĩa Hiệp đã xây dựng cho mình một lộ trình học tập, rèn luyện riêng đối với môn Toán.
Dựa vào thành tích học tập môn Toán và tiếng Anh tại trường trung học cơ sở, em và 2 bạn khác được nhà trường lựa chọn, gửi hồ sơ để trường cụm trưởng xét duyệt. Khi biết tin được tham dự kỳ thi, em rất vui. Em bắt tay vào ôn tập môn Toán từ tháng 1, đồng thời tìm hiểu về đề thi nhiều năm trước để xác định nội dung cần ôn tập, em Hoàng Nghĩa Hiệp chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều Vũ Đức Thuật cho biết, ngay từ khi kỳ thi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động, nhà trường đã triển khai nội dung đến tổ công tác chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm các lớp thuộc Khối 10 để phát động trong học sinh. Sau đó, các tổ công tác chuyên môn sẽ rà soát, sàng lọc, đăng ký những học sinh đủ tiêu chuẩn, năng lực về môn Toán và tiếng Anh.
“Học sinh nào đi cũng mong đạt thành tích cao, nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cơ hội để các em được gặp gỡ, trao đổi kiến thức cũng như thực hành Toán học với nhiều học sinh khác, đặc biệt là các học sinh quốc tế. Điều này không chỉ giúp các em tự tin hơn trong học tập mà còn ngày càng hun đúc tình yêu đối với môn Toán - một môn học quan trọng và cực kỳ lý thú, môn học nền tảng của khoa học và công nghệ”, ông Vũ Đức Thuật chia sẻ.
Trong lễ khai mạc Kỳ thi HOMC 2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, Toán học không chỉ dừng lại ở những con số, công thức mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng với khoa học và công nghệ.
Đây là công cụ thiết yếu để giải quyết các vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao Toán học trở thành bộ phận không thể tách rời của giáo dục, là một trong bốn bộ môn học thuật lớn gồm: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học hay còn gọi là STEM. Toán học còn thể hiện vai trò quan trọng hơn nữa trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Chúng ta cần có đam mê và sự yêu thích giải quyết các vấn đề Toán học và trân trọng vẻ đẹp của Toán học. Hãy để kỳ thi này mở ra tiềm năng Toán học của các bạn trẻ, dẫn dắt các bạn tới một thế giới đầy cơ hội và tiềm năng”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Bên cạnh mục đích tìm kiếm, nuôi dưỡng học sinh tài năng, đặc biệt là năng khiếu Toán học ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; khuyến khích học sinh, giáo viên nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy bộ môn Toán học thông qua tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỳ thi HOMC 2019 còn tạo cơ hội cho học sinh có năng khiếu của các quốc gia, vùng lãnh thổ được gặp gỡ, trao đổi kiến thức cũng như thực hành Toán học. Đặc biệt là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa học sinh và giáo viên Việt Nam cùng bạn bè các nước thông qua hoạt động thảo luận, giao lưu, trải nghiệm văn hóa.
Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) 2019 là năm thứ hai có học sinh quốc tế tham dự. So với Kỳ thi năm 2018 với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ thi năm 2019 có quy mô lớn hơn, gồm 14 đoàn tham gia, đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nepal, Philippines, Hungary, Iran, Myanmar, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Đại diện đoàn học sinh Tây Ban Nha, em Juan Torre de Silva (Trường Retamar) hào hứng cho biết, em và các bạn trong đoàn rất vui khi được lựa chọn tham dự Kỳ thi này tại Việt Nam.
Chúng em đã được đón tiếp rất chu đáo. Trong những ngày ở đây, chúng em sẽ có thêm cơ hội học hỏi và trao đổi về môn Toán với các bạn ở nhiều nước cũng như được đến thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp. Đặc biệt, chúng em và bạn bè quốc tế đã có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ Toán học, em Juan Torre de Silva chia sẻ.
Với mong muốn tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa học sinh và giáo viên Việt Nam cùng bạn bè trên thế giới, thí sinh sau khi thi xong còn được đi tìm hiểu về khoa học thông qua chuyến tham quan cơ sở nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, tham gia hoạt động trải nghiệm tại những địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, tìm hiểu nét văn hóa Hà Nội và các dân tộc của Việt Nam như: Làng gốm Bát Tràng, Bảo tàng Dân tộc học và Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra, các thí sinh còn được giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và truyền thống của từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tham gia kỳ thi, các đơn vị giáo dục sẽ cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm về phương pháp dạy học Toán trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, từ đó góp phần thực hiện chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của Đảng, Nhà nước.
Kỳ thi cũng góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa thế hệ trẻ, các thầy cô giáo môn Toán của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khích lệ sự hiểu biết và hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định.