Tạo sự đồng thuận
Xác định rằng, để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới cần có sự ủng hộ, đồng thuận từ phụ huynh và cộng đồng, do đó trước khi bước vào năm học mới, các trường Tiểu học trong tỉnh đã chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh, người có uy tín trong khu dân cư nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai chương trình mới.
Cô Trần Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phong (xã Nam Phong, thành phố Nam Định) thông tin, ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, nhà trường đã tổ chức hội nghị trình bày kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; việc thay sách đối với học sinh lớp 1 với sự tham dự của lãnh đạo xã, đại diện các thôn, xóm, phụ huynh học sinh để mọi người hiểu rõ và ủng hộ nhà trường.
Nhà trường mời đại diện chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh tham dự các buổi giao ban chuyên môn hàng tháng để cung cấp thêm thông tin, giải thích các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, nội dung chương trình, phương thức lên lớp, cách thức dạy học của giáo viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học. Nhờ giải đáp kịp thời những thắc mắc, băn khoăn, cung cấp đầy đủ thông tin về việc đổi mới giáo dục, nhà trường luôn nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.
Cô Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Tiến (huyện Nam Trực) cho hay, nhiều năm qua, nhà trường đã triển khai hiệu quả mô hình trường học mới (VNEN) nên phụ huynh học sinh rất yên tâm, tin tưởng khi trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Phụ huynh luôn đồng hành cùng nhà trường và thầy cô để hướng dẫn học sinh học theo chương trình mới.
Cô Trần Ngọc Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (thành phố Nam Định) chia sẻ, trước những thay đổi trong chương trình học, các giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn phụ huynh cách khai thác học liệu điện tử để nhà trường và gia đình phối hợp dạy học ở nhà cho các em.
Linh hoạt trong giảng dạy
Năm học 2020 - 2021, tỉnh Nam Định có 227 trường Tiểu học, với gần 1.050 lớp 1, trên 34.600 học sinh. Trong việc lựa chọn sách giáo khoa, gần 53% số học sinh lớp 1 trong tỉnh đang sử dụng bộ sách giáo khoa Cánh diều, do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành. Riêng môn Tiếng Việt 1, 100% Trường Tiểu học trong tỉnh lựa chọn sách giáo khoa của nhóm Cánh diều.
Theo cô Phạm Thị Nhung, Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (thành phố Nam Định), một số bài ở môn Tiếng Việt 1 trong bộ Cánh diều nội dung khá nặng với những âm khó song yêu cầu dạy trong 2 tiết học. Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như yêu cầu đảm bảo chương trình học, giáo viên đã linh hoạt điều chỉnh nội dung bài học cho phù hợp với nhận thức của học sinh.
Cụ thể, đối với những bài dài, giáo viên có thể lược bớt một số hoạt động hoặc dạy sang tiết thứ 3. Với bài dễ hơn, giáo viên dạy trong 1 - 2 tiết. Những nội dung, từ ngữ không phù hợp, thầy, cô giáo nghiên cứu, thay thế những từ dễ hiểu, dễ đọc trên tinh thần đảm bảo yêu cầu kiến thức cho học sinh.
Cô Xuân Huyền Trang, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) phân tích, chương trình môn Toán 1 khá nhanh, nhất là phần giới thiệu các phép tính cộng, trừ khác nhiều so với chương trình cũ. Những học sinh chậm, khó theo kịp các bạn trong việc tiếp thu kiến thức. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể hướng dẫn các em áp dụng thêm cách tính bằng cách đếm ngón tay hoặc sử dụng que tính.
“Qua thực tế triển khai, bộ sách Cánh diều nhận được sự phản hồi tích cực từ học sinh nhờ những ngữ liệu phong phú, đa dạng, hình thức bắt mắt, kích thích sự tò mờ, hứng khởi, sáng tạo của học sinh”, cô Trang xác nhận.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) nhìn nhận, những bài đọc theo chương trình cũ thường khô cứng, rời rạc, Chương trình giáo dục phổ thông mới với việc áp dụng học liệu điện tử đã giúp cho những tiết kể chuyện trở nên sinh động. Học sinh được nghe lời thoại của các nhận vật, tạo sự hứng khởi và tiếp thu, ghi nhớ bài tốt hơn.
Bên cạnh việc điều chỉnh nội dung, chương trình học phù hợp với yêu cầu, mục tiêu giáo dục, các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Nam Định thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Nguyễn Xuân Hồng cho biết, áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Trên tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, Hội đồng thẩm định đã phát hiện một số điểm còn hạn chế như: còn có chỗ sử dụng từ ngữ mang âm điệu địa phương... Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, những hạn chế này không đáng kể, các thầy cô giáo trong quá trình dạy học có thể sử dụng bộ sách này một cách linh hoạt, phù hợp; khai thác được ưu điểm nổi bật của bộ sách Cánh diều đó là ngữ liệu phong phú, hình thức đẹp...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định khẳng định: Hiện việc sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới ở địa phương hoàn toàn đảm bảo các mục tiêu giáo dục, đó là giúp học sinh hiểu bản chất, nội dung bài học. “Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã xây dựng chương trình dạy học cho cả năm học với đầy đủ giáo án bài giảng, các tài liệu bổ trợ quá trình dạy học...; trong đó, sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ hỗ trợ cho giáo viên và học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới và bộ sách Cánh diều không gây khó khăn, trở ngại gì trong việc hoàn thành chương trình, nhiệm vụ năm học của các trường”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết thêm.