Trong số hàng trăm trường ĐH, CĐ công khai thông tin về tuyển sinh 2015, thì phương thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT hoặc học bạ lớp 12 được không ít trường ưu ái dành nhiều chỉ tiêu kèm theo tiêu chí xét tuyển. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về chất lượng “đầu vào” trong mùa tuyển sinh 2015. “Rộng cửa” ở ngành học, trường khó tuyểnDành tới phân nửa chỉ tiêu, thậm chí tới 60 - 80% chỉ tiêu xét tuyển vào đại học dựa vào học bạ THPT và học bạ lớp 12 là hình thức mà nhiều trường ĐH, CĐ áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay.
Việc xét tuyển bằng học bạ khiến dư luận lo lắng về chất lượng. |
Trong thông báo của trường CĐ Cộng đồng Hà Nội thì thí sinh đỗ vào trường là những học sinh tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) có hạnh kiểm năm học lớp 12 được xếp loại từ khá trở lên, tổng điểm trung bình kết quả học tập trong 3 năm của 3 môn thuộc các môn xét tuyển theo từng ngành ≥ 16.5 điểm.
Còn trường Cao đẳng, Kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ xét tuyển theo kết quả học tập ở lớp 12 bậc THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, xét tuyển theo kết quả học tập ở lớp 12 bậc THPT, trường yêu cầu thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc Bổ túc THPT. Điểm xét tuyển được xác định dựa trên tổng số điểm của 3 môn học lớp 12 theo từng khối thi và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng tuyển sinh theo quy định của Bộ GD- ĐT. Trong đó, tổng điểm của 3 môn học lớp 12 theo từng khối thi phải đạt ngưỡng tối thiểu 16,5 điểm (trung bình 5,5 điểm/môn). Tỷ lệ chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo tiêu chí này là 80%; còn 20% chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Đại diện Trường ĐH Quốc tế miền Đông cũng cho biết, trường dành khoảng 40% trong tổng chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT theo kết quả học tập trong học bạ bậc THPT. Điều kiện để xét vào bậc đại học là tốt nghiệp THPT; điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 đạt từ 6 điểm trở lên; tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn lớp 12 thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 trở lên; hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Điều kiện xét vào hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT, điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 đạt từ 5,5 điểm trở lên; tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn lớp 12 thuộc tổ hợp môn xin xét tuyển đạt từ 16,5 điểm trở lên; hạnh kiểm từ loại khá trở lên.
ĐH Kinh tế Nghệ An cũng đăng ký thực hiện tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ theo 2 phương thức: Xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia (các cụm thi do các trường ĐH chủ trì) của 3 môn thi thuộc khối xét tuyển của trường; Xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập THPT được ghi trong học bạ của 3 môn học thuộc khối xét tuyển của trường. Đối với xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập THPT, thí sinh cần tốt nghiệp THPT có điểm bình quân 3 môn của khối xét tuyển ở lớp 11 và kỳ 1 ở lớp 12 (3 kỳ) đạt từ 6,0 điểm trở lên (bậc ĐH) và 5,5 điểm trở lên (bậc CĐ) đủ điều kiện xét tuyển. Hạnh kiểm lớp 12 đạt loại Khá trở lên.
Nhận định về xu hướng “mở” của những ngành học nêu trên, một chuyên gia tuyển sinh cho biết, đó là những ngành học khó tuyển sinh từ những năm trước. Năm nay, với những điều kiện về thi tuyển được nới lỏng, không ít trường đã dùng phương án xét tuyển bằng học bạ cùng với những điều kiện khá dễ dãi để có thể tuyển đủ thí sinh.
“Khắt khe” ở các trường top trênTrong khi nhiều trường nới lỏng điều kiện chọn xét tuyển bằng đại học thì những trường trọng điểm, “top” trên như ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội… lại lựa chọn xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 hay bằng học bạ chỉ là ở vòng… sơ loại. Để được vào trường, thí sinh sẽ phải trải qua những điều kiện rất chặt chẽ khác.
ĐH Ngoại thương chỉ xét tuyển từ các thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm khá trở lên. Trường này xét tuyển theo từng khối thi. Điểm trúng tuyển của trường xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi.
ĐH Bách Khoa Hà Nội, trước khi xét tuyển từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ sơ tuyển các thí sinh có tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển (của 6 học kỳ) từ 20 trở lên. Ở một số ngành, môn Toán được chọn là môn chính (hệ số 2). Mùa tuyển sinh 2015 là năm thứ 2 ĐH Bách khoa dùng phương án này và được nhiều chuyên gia đánh giá cao khi đưa ra điều kiện khắt khe ngay từ vòng sơ tuyển như vậy.
Đại học Y Hà Nội căn cứ vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh cộng với việc giữ nguyên 3 môn xét tuyển khối B là toán, hóa học và sinh học. Tiêu chí sơ tuyển sẽ dựa vào tổng điểm trung bình của ba môn học này của năm học kỳ THPT, đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước là 6 học kỳ. Để vượt vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt yêu cầu điểm trung bình của mỗi môn toán, hóa học và sinh học trên 7 điểm đối với hệ bác sĩ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
Cần giám sát quá trình ghi học bạ
Không nên vì nghi ngờ kết quả đánh giá học bạ mà cho rằng các trường đại học không nên chọn phương án tuyển sinh này. Thứ nhất, nếu nói lo ngại vì có thể xảy ra tiêu cực không cho các trường xét tuyển thí sinh bằng học bạ là không đúng, học bạ là nhà nước quy định; thứ hai, quan trọng là khi các trường ĐH, CĐ xét tuyển học bạ thì các sở, các ngành, các trường cần giám sát việc ghi học bạ từ các trường THPT như thế nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan. Ví dụ: Sở GD-ĐT hiện nay nên quản lý điểm tới từng học kỳ chứ không phải thanh tra giữa học bạ với quản lý điểm xem có đúng không. Như vậy, nếu tách bạch vấn đề rõ ràng thì hoàn toàn có thể lựa chọn phương án xét tuyển bằng học bạ. |
Nhận định về thực tế này, PGS. TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, nới lỏng điều kiện, xét tuyển bằng học bạ chỉ là cách giải quyết cho những trường khó khăn trong tuyển sinh và là một kênh trong xét tuyển. Đồng thời, do yêu cầu chất lượng riêng mà mỗi trường mà có những phương án tuyển sinh khác nhau nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của Bộ GD - ĐT đặt ra.
“Khi làm đề án tuyển sinh, tôi cũng tính toán đến phương án này và đưa ra thảo luận trong Hội đồng tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, tất cả đều nhất trí không có phần trăm ưu tiên nào cho việc xét tuyển học bạ bởi sự nghi ngại về chất lượng. Tôi chưa thực sự tin vào kết quả đánh giá phổ thông, chất lượng dạy và học ở các vùng miền cũng khác nhau. Cũng vì chưa tin nên Học viện chưa dùng phương án xét tuyển bằng học bạ”, PGS. TS Lê Hữu Lập chia sẻ.
Cũng theo PGS. TS Lê Hữu Lập, chất lượng đầu vào là điều kiện rất quan trọng mà các trường cần phải xem xét. Nếu bỏ qua khâu này, chỉ qua vài năm, chất lượng học ĐH sẽ thể hiện rõ qua “đầu ra”. Khi ấy, vị thế của trường ĐH - CĐ cũng sẽ được làm rõ.
Đồng tình với điều này, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: “Yêu cầu “đầu vào” là do mỗi trường quy định dựa trên quy định của Bộ GD - ĐT. Nếu là trường ĐH Ngoại thương, khâu căn cứ vào học bạ chỉ là vòng sơ loại nhưng với yêu cầu của một trường ĐH khác, thì chỉ cần tốt nghiệp THPT và căn cứ vào học bạ là đủ”.
“Dù dành 10% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ nhưng bài toán chất lượng “đầu vào” vẫn còn nhiều nghi ngại. Bởi lẽ, mặt bằng kết quả học tập của thí sinh sẽ không đồng đều giữa các vùng miền. Thông thường điểm học bạ của học sinh trường chuyên, chất lượng cao sẽ cao hơn, đẹp hơn với học bạ những học sinh ở trường có chất lượng thấp”, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Điện lực khẳng định.
Lê Vân