Đơn giản hóa
Với việc đổi mới giáo dục hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là kỳ thi để đạt, chứ không phải là kỳ thi làm cơ sở tuyển chọn thí sinh. Do bản chất của kỳ thi như vậy, nên nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp hằng năm, với sự huy động nhân lực, vật lực của xã hội khá lớn như thời gian qua, là không cần thiết. Nhất là khi, dù tốn kém nhưng kỳ thi này vẫn không đảm bảo thực chất, chưa khiến dư luận yên tâm về kết quả thi cũng như chất lượng đầu ra của học sinh THPT.
Theo Bộ GD - ĐT, chất lượng chương trình giáo dục đã được khẳng định qua các kỳ kiểm tra, đánh giá vừa qua. Ảnh: Quý Trung |
Theo GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vẫn cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng không cần quy mô như trước đây. “Hằng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở các nơi đều trên 90%, phổ biến là 95- 99%; nghĩa là gần như 100% các em đều đỗ tốt nghiệp, vì vậy không nên tổ chức kỳ thi quy mô và gây áp lực lớn cho bản thân học sinh và xã hội. Bên cạnh đó, việc ghép kỳ thi THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như vừa qua là không phù hợp, vì mục đích của hai kỳ thi này là hoàn toàn khác nhau. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi khá dễ và đa phần các em đều có thể đạt điểm trung bình trở lên. Còn sự phân hóa trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ lại rất rõ ràng. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT hãy tổ chức như một kỳ kiểm tra, giao cho các sở giáo dục ở các địa phương và về lâu dài có thể giao cho các trường trung học phổ thông tổ chức là đủ. Thậm chí tiến tới chỉ cần xét kết quả học tập trong 3 năm ở bậc phổ thông, nếu như đảm bảo được kết quả này là thực chất”, GS Đào Trọng Thi phân tích.
Với vai trò là đơn vị giáo dục cấp địa phương, theo ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD - ĐT, việc để Sở GD - ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp là hợp lý, đây là công việc lâu nay Sở vẫn làm. Tuy nhiên, với những yêu cầu về đổi mới kiểm tra đánh giá, trong khi chương trình đào tạo vẫn là chương trình cũ, thì Bộ cần có sự chỉ đạo rõ ràng và phải có sự khảo sát trình độ của học sinh, qua đó có phương án phù hợp khi tổ chức thi tốt nghiệp.
Làm rõ chất lượng đầu ra
Nếu việc thi tốt nghiệp được giao cho địa phương hoặc làm nhẹ đi thì vấn đề đặt ra là với hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam là liệu có dẫn tới tình trạng học sinh học lệch, học tủ, chỉ học những môn thi đại học, khiến cho chất lượng đầu ra của học sinh THPT không đảm bảo, nhất là với những học sinh chỉ cần tốt nghiệp, không thi ĐH,CĐ hay không?
Theo ông Võ Thế Quân, Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô, Hà Nội, trường THPT đang dạy 13 môn học bắt buộc, không có môn tự chọn. Nhưng khi thi tốt nghiệp THPT lại được tự chọn, thì đương nhiên các em sẽ lựa chọn những môn liên quan đến môn thi đại học. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng học lệch ngay từ khi vào đầu cấp. Do đó, nếu việc thi được giao về địa phương hay tổ chức như một kỳ kiểm tra, thì cũng cần xem lại chương trình học phù hợp, cải tiến làm sao để các em ổn định học tập chứ không phải nghe không thi cấp “quốc gia” mà học sinh lơi là.
Về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi “hiến kế”: Nếu đã trở thành kỳ thi do địa phương, do trường tổ chức thì sẽ không còn sự so sánh giữa các cơ sở, giữa các địa phương nữa, khi đó tỷ lệ tốt nghiệp không còn là thành tích, nên hy vọng sẽ không còn việc phải phấn đấu đạt tỷ lệ “đẹp” 95-99%.
Trước những ý kiến nếu giao cho địa phương tổ chức thì chất lượng đầu ra, sẽ là vấn đề đáng lo ngại bởi chương trình giáo dục phổ thông vẫn cũ và chưa tạo được niềm tin cho xã hội; một chuyên viên Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho rằng: Trong những năm qua, việc đổi mới thi cử đã bắt đầu có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, dù chương trình giáo dục vẫn là chương trình hiện hành. Tuy nhiên, tác dụng đó vẫn còn hạn chế bởi các điều kiện dạy học chưa được cải thiện, đổi mới quản lý quá trình dạy học mới chỉ là bước đầu. Bằng việc đổi mới thi, kiểm tra; sẽ tiến tới đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Khi đó, việc học sẽ là thực chất, cho nên sẽ ít phải lo ngại về đầu ra của học sinh THPT.
Trước đó, để đảm bảo sự cần thiết có kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD - ĐT khẳng định: Theo Luật Giáo dục, học sinh khi hoàn thành chương trình THPT phải tham dự kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế (nhất là ở các nước có nền giáo dục phát triển) là chú trọng đánh giá chất lượng đầu ra (đối với giáo dục phổ thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT), chứ không chỉ đánh giá chất lượng đầu vào (thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục. Việc thi sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hoạt động học của trò và hoạt động dạy của thầy.
Đồng thời, việc thi phải phù hợp với nội dung và phương pháp học tập theo phương châm “học gì đánh giá nấy”. “Mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ xác nhận trình độ học vấn phổ thông, mà quan trọng hơn là thông qua kỳ thi tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông, tạo động lực để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường. Vì thế vẫn cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, tuy nhiên tổ chức theo cách nào thì Bộ đang lắng nghe ý kiến của các phía và sẽ sớm đưa ra quyết định”, đại diện Bộ GD - ĐT khẳng định.
Vậy là đến thời điểm này, vẫn chưa biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ theo hướng nào, nặng hay nhẹ, cấp quốc gia hay cấp địa phương. Có lẽ đã là hơi muộn để học sinh và giáo viên có thể đưa ra định hướng học và dạy cho mình, nhằm đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi này. Dư luận mong muốn, sẽ là một cải tiến theo hướng tích cực của Bộ GD-ĐT, thay vì tình trạng “càng cải tiến càng lúng túng” như thời gian vừa qua.