Lớp học số góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện mô hình Lớp học số, ngày 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định, mô hình không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà còn giúp giảm áp lực về nguồn tuyển giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học bậc tiểu học.

Chú thích ảnh
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh thí điểm triển khai mô hình Lớp học số. Ảnh minh họa: Đan Phương/Báo Tin tức

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm triển khai mô hình Lớp học số nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bộ môn trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Lớp học số được triển khai với hai môn Tiếng Anh và Tin học tại hai trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi). Đây là những trường ở vùng xa trung tâm, thiếu giáo viên Tin học và Tiếng Anh nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển giáo viên từ các nơi khác đến. 

Từ năm học 2023 - 2024, mô hình tiếp tục được mở rộng tại nhiều trường học trên địa bàn Thành phố với các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia lớp học gồm học sinh của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). 

Đến nay, cùng với việc tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện mô hình Lớp học số ở các trường tiểu học trên địa bàn, Thành phố còn hỗ trợ triển khai lớp học số ở môn tiếng Anh cho 8 trường ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thầy Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) cho biết, Lớp học số bước đầu giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu giáo viên bộ môn, giúp giáo viên nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh rất hứng thú với mô hình học tập mới lạ nên tích cực tham gia học tập, tự tin trong làm việc nhóm và giao tiếp với giáo viên bằng tiếng Anh trong giờ học. Giáo viên ứng dụng công nghệ thiết kế bài giảng với nhiều game hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tham gia.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ, tình trạng thiếu giáo viên một số môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật ở Thành phố đã diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt là khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mô hình Lớp học số hỗ trợ các trường thực hiện đầy đủ các môn học và hiệu quả Chương trình mới. Từ đó, học sinh được thụ hưởng môi trường học tập cởi mở hơn, giáo viên có điều kiện rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới.

Dù vậy, nhiều quận, huyện, trường học dù thiếu giáo viên nhưng chưa chú trọng triển khai mô hình này. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh triển khai mô hình Lớp học số, các trường tăng cường triển khai bộ tiêu chuẩn Trường học số, không chỉ ở bậc tiểu học mà mở rộng cả bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. 

Dự kiến, Thành phố sẽ mở rộng mô hình Lớp học số cả về phạm vi thực hiện và môn học triển khai, góp phần đảm bảo việc thực hiện dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc cho học sinh tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo Sở cho biết, tới đây, các phòng chuyên môn của Sở sẽ rà soát, hướng dẫn tính toán chế độ hỗ trợ cho giáo viên tham gia giảng dạy ở Lớp học số; tăng cường trang bị phòng học số cho các trường học để đẩy mạnh việc thực hiện mô hình này.

Thu Hoài (TTXVN)
Lớp học của những yêu thương
Lớp học của những yêu thương

Bằng tấm lòng nhiệt huyết và tình yêu thương trẻ, một số giáo viên đã nghỉ hưu tại Quảng Ngãi đã mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN